Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đạo không ra đề thi lớp 5 quá khó, đánh đố học sinh
Nhiều năm trở lại đây, thành phố Vinh (Nghệ An) đều tổ chức kiểm tra định kỳ cho học sinh lớp 5 trên toàn thành phố với đề thi chung. Tuy nhiên, phụ huynh phản ánh, đề thi quá khó. Sở GD&ĐT cũng khẳng định đề kiểm tra định kỳ môn Toán lớp 5 của thành phố vượt chuẩn kiến thức, kỹ năng và thành phố Vinh cũng đã xin rút kinh nghiệm.
Năm học 2019 - 2020, theo kế hoạch Kỳ thi định kỳ lớp 5 cho học sinh toàn thành phố sẽ được tổ chức vào ngày 7/7/2020 với 2 môn là Toán và Tiếng Việt. Trong đó, thời gian làm bài môn Toán là 40 phút và môn Tiếng Việt là 60 phút.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời tiết nắng nóng, nhiều phụ huynh cho biết, việc tổ chức kỳ thi định kỳ cuối năm trên toàn thành phố sẽ tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. Trong khi đó, chủ trương của Bộ là giảm tải việc học, giảm áp lực từ các kỳ thi.
Bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho hay: “Trước khi triển khai việc tổ chức thi định kỳ lớp 5, chúng tôi có báo cáo và xin phép Sở. Trước khi ra đề cho Kỳ thi năm nay, Phòng đã chỉ đạo các trường ra đề và gửi đề về thành phố để tạo ngân hàng đề. Trên cơ sở đó, phòng chỉ đạo chuyên viên biên tập lại để có một đề chung”.
Việc tổ chức ra đề chung sẽ đánh giá đúng mặt bằng của học sinh toàn thành phố. Tuy nhiên, điều này lại không đúng với tinh thần hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo văn bản hợp nhất Thông tư 22 và 30 của Bộ GD&ĐT. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Phòng có biết về hình thức kiểm tra định kỳ của thành phố Vinh nhưng không có văn bản đồng ý với kế hoạch trên. Mục tiêu của kỳ kiểm tra này là để xét công nhận hoàn thành chương trình năm học chứ không phải để phục vụ cho mục đích xét tuyển vào trường trọng điểm.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Chúng tôi đã trao đổi với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố phải ra đề không được quá khó, đánh đố học sinh; phù hợp với năng lực của học sinh, đảm bảo mặt bằng chung giữa các trường tạo sự khách quan, công bằng. Đặc biệt tránh tình trạng ra đề mà chỉ những học sinh đi học thêm mới làm được bài, vô tình khuyến khích tình trạng dạy chui, dạy thêm.