Số ca mắc sởi ở Thanh Hóa có chiều hướng gia tăng trở lại
Ngày 24/5, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, thời gian gần đây đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị sởi, đơn vị đã phải dành riêng Khoa Bệnh nhiệt đới để thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi.
Từ đầu năm đến nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tỉnh Thanh Hóa ghi nhận gần 700 ca mắc sởi, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số ca mắc sởi nhập viện tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 2 và đầu tháng 3. Không chỉ tăng về số lượng, số ca biến chứng, diễn biến nặng cũng tăng mạnh. Hầu hết trẻ mắc bệnh chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng sởi.

Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số ca mắc sởi nhập viện tăng gấp đôi so với tháng trước
Ths.Bs Trịnh Văn Lực, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: Bệnh sởi là bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây suy giảm miễn dịch ở các cháu, nên quá trình chăm sóc điều trị không hợp lý dễ gây bội nhiễm. Một trong những sai lầm mà lâu nay chúng ta hay mắc phải đó là kiêng một cách quá mức, không được vệ sinh thân thể, không được tắm rửa sạch sẽ, không được sát khuẩn mũi họng, đặc biệt là sử dụng những phương thuốc nam, thuốc lá mà chưa được khoa học chứng minh có giá trị.
"Tất cả các cháu đến độ tuổi từ sáu tháng tuổi trở lên phải được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là khi có triệu chứng nghi ngờ sởi thì các cháu phải được đến cơ sở y tế khám phân loại. Trường hợp sởi không biến chứng thì có thể kê đơn điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế xã, phường, tại tuyến huyện, còn khi có biến chứng nặng thì cần chuyển lên tuyến trên", bác sĩ Lực khuyến cáo.
Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện ca mắc bệnh; kiểm soát lây nhiễm. Các địa phương, đơn vị tổ chức hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng; đồng thời rà soát, tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin sởi mở rộng cho trẻ chưa tiêm, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin trong cộng đồng, đảm bảo phòng chống dịch.