Sinh viên khuyên sĩ tử: học trường nổi tiếng hay chọn ngành mình yêu thích?

Nhiều quan điểm cho rằng, việc học những trường đại học danh tiếng, 'top đầu' rất quan trọng và ảnh hưởng tới đầu ra của sinh viên. Nhưng đối với đa số các bạn sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở Việt Nam, việc chọn ngành quan trọng hơn chọn trường, bởi ngành học đúng với đam mê, sở thích và năng lực sẽ giúp người học phát huy tối đa thế mạnh của bản thân trong thời đại công nghệ số 4.0.

Trường “hot” thì có “danh”, nhưng ngành học mới là hành trang vào nghề

Với các bạn sĩ tử lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngoài việc tập trung ôn tập kiến thức, các bạn còn phải chịu một áp lực rất lớn trong việc chọn ngành và chọn trường cho bước đường tương lai của cả cuộc đời mình sau này.

Chia sẻ về quan điểm nên lựa chọn ngành học hay trường học, bạn Vũ Ngọc Quỳnh, phó chủ nhiệm CLB Truyền thông Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thành viên Đội Tư vấn tuyển sinh HV Báo chí và Tuyên truyền cho rằng nên lựa chọn theo ngành học trước, sau đó mới chọn trường đại học mà mình yêu thích.

Vũ Ngọc Quỳnh, thành viên Đội tư vấn tuyển sinh HV Báo chí và Tuyên truyền.

Ngọc Quỳnh nói thêm: “Vì ngành học sẽ là hành trang, nền tảng kiến thức đồng hành với mình suốt quãng đường công việc sau này. Lựa chọn một ngành học phù hợp theo sở thích, năng lực cá nhân sẽ giúp sĩ tử có động lực học tập và hăng say với chuyên ngành đó. Còn trường đại học sẽ tạo môi trường học tập, hoạt động, nuôi dưỡng nhân cách,... Chính vì vậy, nên lựa chọn được ngành học để theo đuổi trước khi chọn trường mà mình theo học”.

Đồng quan điểm, bạn Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên năm 3 Học viện Ngoại giao cũng khuyên các bạn sĩ tử nên ưu tiên xem xét ngành mình muốn học là gì, bản thân mình liệu có đủ đam mê, năng lực để theo đuổi ngành học đấy hay không rồi mới xét đến trường. “Khi lựa chọn trường hãy cân nhắc về việc trường nào tốt trong việc đào tạo ngành mà bản thân muốn học. Đương nhiên vấn đề tài chính như học phí cũng là 1 yếu tố cần cân nhắc khi chọn trường”, Ngọc Anh cho biết.

Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên năm 3 Học viện Ngoại giao khuyên các bạn sĩ tử nên ưu tiên xem xét ngành mình muốn học.

Tuy nhiên, thật khó để khẳng định rằng, lựa chọn ngành nghề theo học sẽ đúng 100%, cũng thật khó để nói rằng tất cả mọi người sẽ theo được ngành nghề đã lựa chọn. Từng đứng trước nhiều sự lựa chọn ngành nghề “top đầu”, Chu Quang Trường, cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm 2018 đã quyết định lựa chọn theo học tại khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Từ những kinh nghiệm của bản thân, Trường cho rằng: “Khi tìm được ngành học thích hợp, năng lực của bản thân sẽ được phát triển, điều này sẽ tốt hơn là ưu tiên chọn trường hàng đầu. Nếu chọn ngành học không phù hợp, sẽ rất vất vả cho những năm Đại học, có thể khiến người học nản chí, bỏ phí thời gian thay vì dành cho những mục tiêu khả thi hơn”.

Chu Quang Trường, cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm 2018.

Trái ngành có là “nỗi sợ” với gen Z?

Dù ưu tiên lựa chọn ngành học, nhưng tỉ lệ sinh viên gen Z ra trường làm trái ngành không hề nhỏ, ngay cả ở những ngành nghề đặc thù. Trò chuyện với bạn Trần Huyền Trang, sinh viên năm 4 ngành Y Đa khoa, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, được biết:

“Ngành y là một ngành đào tạo đặc thù nên tỉ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành ít hơn những ngành khác, nhưng không phải là không có. Có sinh viên học vài ba năm thì bỏ, rẽ sang hướng khác. Thậm chí có những người đã học 6 năm, ra trường đi làm mới nhận thấy rõ mình không phù hợp với ngành y và bắt đầu học những ngành nghề khác. Lúc ấy thời gian, công sức và kiến thức tích lũy cả quãng đời sinh viên sẽ trở nên lãng phí”.

Trần Huyền Trang, sinh viên năm 4 ngành Y Đa khoa, Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Chu Quang Trường lại cho rằng, những suy tính, đánh giá về năng lực bản thân để lựa chọn ngành học có thể chỉ đúng vào một thời điểm nào đó. “Sẽ khó biết được những khả năng tiềm ẩn của bản thân. Điều quan trọng là phải tin vào lựa chọn của mình và nỗ lực hết sức, để nếu có thất bại cũng không quá tiếc nuối, hối hận vì bản thân luôn học được nhiều từ những lần thua cuộc đó”.

Đối với các bạn trẻ gen Z, bên cạnh ngành học của mình, các bạn rất năng động để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Đương nhiên, khi học đại học, ai cũng mong muốn ra trường được làm việc trong lĩnh vực mình học. Nhưng nếu muốn được hoạt động, làm việc trong môi trường mình mong muốn, điều đầu tiên chính là trau dồi năng lực của bản thân. Khi có một vốn kiến thức chắc chắn, kinh nghiệm, năng lực đáp ứng được các nhu cầu của nhà tuyển dụng thì dù cho ở lĩnh vực nào mọi người đều có thể tỏa sáng”, Ngọc Anh chia sẻ quan điểm.

“Bí quyết” chọn ngành giữa thời đại công nghệ số

Bên cạnh đó, nhiều học sinh cũng đang lo lắng thái quá, sợ thất nghiệp vì công nghệ AI đang dần thông minh và thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Nhưng thí sinh cần vững tâm để lựa chọn, bởi khi một ngành ra đời, các trường đại học vẫn tuyển sinh và đào tạo thì các ngành đó đều cần thiết.

Bày tỏ về vấn đề này, Vũ Ngọc Quỳnh chia sẻ: “Có thể AI sẽ hỗ trợ con người phần nào trong việc giảm tải khối lượng công việc. Tuy nhiên, AI cũng là một thành quả công nghệ do con người tạo ra. Thế nên, việc sáng tạo, phát triển những giá trị, thành tựu mới thì vẫn phải do trí óc của con người trước tiên".

“Việc sáng tạo, phát triển những giá trị, thành tựu mới thì vẫn phải do trí óc của con người trước tiên” - Vũ Ngọc Quỳnh.

“Điều dễ thấy nhất, AI rất khó để học được những cảm xúc, trạng thái của con người - thứ khó có thể lý giải bằng câu hỏi đúng sai, lý thuyết khoa học. Đó là vũ khí mạnh nhất để con người tiếp tục làm chủ cuộc sống của chính mình trước sự "xâm lược" của AI vào mọi khía cạnh trong đời sống”, Quang Trường cũng cho biết.

Chu Quang Trường cho rằng không nên đánh giá khả năng qua điểm tổng kết môn nào cao nhất.

Trước “cuộc chiến” lựa chọn con đường Đại học sắp tới, Quang Trường khuyên các bạn sĩ tử rằng, không nên đánh giá khả năng qua điểm tổng kết môn nào cao nhất, mà phải nhìn vào tất cả trải nghiệm thực tế và lắng nghe con tim của mình để chọn ngành nghề.

Đối với các bạn học sinh có nguyện vọng thi vào các ngành liên quan đến sức khỏe con người, Huyền Trang khuyên rằng: “Hãy dành thời gian suy nghĩ tại sao mình chọn ngành y, mình có đủ đam mê và quyết tâm để vượt qua những áp lực trong ngành y không? Ngành y dẫu nhiều khó khăn, vất vả nhưng vẫn luôn là một ngành cao quý. Vậy nên, nếu có niềm đam mê, khao khát chữa bệnh cứu người, bảo vệ sức khỏe cho người khác thì hãy vững tin, kiên định với lựa chọn của mình”.

Chỉ còn một thời gian ngắn, các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đó là tốt nghiệp THPT. Mong rằng các bạn sẽ luôn mạnh mẽ, vững tin, sáng suốt để có thể đạt kết quả cao nhất. Từ đó là tiền đề giúp bạn có thể đạt được những ước mơ, hoài bão về một ngành nghề, ngôi trường phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân.

Hằng Hoàng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-khuyen-si-tu-hoc-truong-noi-tieng-hay-chon-nganh-minh-yeu-thich-post1528716.tpo