Sinh viên chế tạo găng tay robot hỗ trợ phục hồi chức năng

Nhận thấy những khó khăn của người bị liệt, dị tật bẩm sinh trong vận động bàn tay, Dương Văn Vũ (SN 2002), sinh viên Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội), đã chế tạo găng tay robot nhằm hỗ trợ người bệnh luyện tập phục hồi chức năng ngay tại nhà.

 Dương Văn Vũ (trái) đeo trên tay mô hình bàn tay robot

Dương Văn Vũ (trái) đeo trên tay mô hình bàn tay robot

Dương Văn Vũ hiện là sinh viên năm cuối khoa Điện - Điện tử của Trường Đại học Thủy lợi. Nhận thấy những người bệnh còn gặp nhiều khó khăn trong luyện tập phục hồi chức năng, đặc biệt là đối tượng trẻ em, nên ngày từ năm thứ 2, Vũ đã ấp ủ phải làm ra một thiết bị có thể hỗ trợ người bệnh luyện tập phục hồi chức năng bàn tay ngay tại nhà. "Để luyện tập phục hồi với các thiết bị hay động tác thông thường, với nhiều bệnh nhi, là một việc nhàm chán và bọn trẻ thường không muốn làm nhưng chơi game thì lại rất hăng hái", Vũ chia sẻ về dẫn đến ý tưởng của mình. Vì thế, chàng sinh viên này đã thiết kế "Mô hình bàn tay robot để phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân liệt một bàn tay" để các em nhỏ hứng thú hơn với việc luyện tập.

Bắt đầu thực hiện dự án khi đang là sinh viên năm thứ 3, với sự đồng hành của các thầy cô trong khoa, Vũ đã thành công trong việc tạo ra găng tay robot và đại giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường. Năm 2023, với mong muốn đưa sản phẩm ra cộng đồng, Vũ đã cùng 4 sinh viên của trường có thế mạnh ở mảng kinh tế, marketing bắt tay hoàn thiện sản phẩm. Đây là khoảng thời gian chàng sinh viên sinh năm 2002 này dày công nghiên cứu các sản phẩm luyện tập phục hồi chức năng hiện có trên thị trường. Dựa trên căn cứ đó, Vũ và các bạn đã làm các bài tập dựa trên tiêu chuẩn có sẵn để cải thiện sản phẩm của mình.

Mô hình bàn tay robot do nhóm của Dương Văn Vũ chế tạo

Mô hình bàn tay robot do nhóm của Dương Văn Vũ chế tạo

Chủ nhân của ý tưởng mô hình bàn tay robot cho biết, sản phẩm của mình là một thiết bị không dây, được sử dụng độc lập. Thiết bị có nhiều kích cỡ, phù hợp với nhiều đối tượng người dùng. Sản phẩm hiện có 2 game là bắt bóng dành cho trẻ 2-3 tuổi và xếp hình dành cho trẻ 5-6 tuổi. Đối với người sử dụng là người lớn tuổi, sản phẩm hiện được lập trình với các bài tập thông thường. Nhóm đang nghiên cứu phát triển một số chủ đề game phù hợp cho nhóm đối tượng này. Sắp tới, nhóm sẽ nghiên cứu, phát triển thêm tính năng giúp bác sĩ thăm khám bệnh từ xa, thay vì bệnh nhân phải đến bệnh viện. Tính năng này hiện đã có nhưng khoảng cách chưa được xa. Ngoài ra, nhóm sẽ tiếp tục nâng cấp các tính năng, các phần mềm tích hợp trò chơi để công cụ được hấp dẫn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn trong việc hỗ trợ người bệnh phục hồi chức năng vận động của bàn tay.

Đam mê và dành nhiều tâm huyết cho công trình nghiên cứu khoa học này nhưng nhóm vẫn đang gặp phải một số thách thức như việc huy động kinh phí đầu tư cho việc phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó là việc cân đối thời gian cho chương trình học bận rộn của sinh viên năm cuối. "Quá trình thử nghiệm sản phẩm cũng là thách thức lớn đối với nhóm. Tôi đã cố gắng để sản phẩm được thử nghiệm tại một số Trung tâm y tế của phường và ở Bắc Ninh quê tôi. Sản phẩm muốn hoàn thiện thì phải dựa trên những trải nghiệm, phân tích, đánh giá xem có phù hợp với người sử dụng hay không. Đây là quá trình dài và khó khăn mà nhóm phải cùng nhau cố gắng", Vũ chia sẻ.

Năm học 2022-2023, phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Thủy lợi phát triển, nhận được 263 đề tài. Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã tiếp cận nhiều vấn đề khoa học công nghệ mới, nghiên cứu các sản phẩm có khả năng ứng dụng cao. Sản phẩm mô hình bàn tay Robot của Dương Văn Vũ đã đạt giải Nhì chung kết Cuộc thi "Sinh viên Thủy lợi với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2023.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/sinh-vien-che-tao-gang-tay-robot-ho-tro-phuc-hoi-chuc-nang-20240521150326834.htm