SIM ghép bị khóa lần 3, iPhone lock ở Việt Nam sắp biến mất?
Liên tục bị khóa SIM ghép, thị trường iPhone lock đang bấp bênh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các cửa hàng tin dòng sản phẩm này sẽ không bị xóa sổ.
“Apple đã fix mã ICCID mới trên SIM ghép thần thánh V3. Anh em đang dùng iPhone lock bình thường thì tuyệt đối không update phần mềm mới, không thay SIM mới không restore máy”, dòng thông báo được phát đi trên website, fan page của hàng loạt cửa hàng di động trong những ngày đầu tiên của năm 2018.
Đây đã là lần thứ 3 Apple chặn SIM ghép sử dụng trên các mẫu iPhone khóa mạng chỉ trong vòng 3 tháng. Đáng chú ý, lần khóa này chỉ cách lần trước đúng một tháng, cho thấy quyết tâm của Apple trong việc loại bỏ việc kinh doanh các mẫu iPhone trôi nổi trên thị trường.
“Doanh số iPhone khóa mạng sụt giảm 80% sau khi Apple liên tiếp khóa SIM ghép thời gian gần đây”, Trung Trí, đại diện một cửa hàng di động tại Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy) nói. Anh này cho hay doanh số iPhone lock hiện gần như đứng hình, có cũng chỉ được một vài cây.
Các cửa và dần bỏ qua dòng sản phẩm này. “iPhone lock hiện chỉ bán để thêm thắt vào, không được coi là sản phẩm chủ lực vì quá bấp bênh”, anh này nói thêm.
Những ngày cuối năm 2017, nhiều cửa hàng quay cuồng vì iPhone lock và SIM ghép. Apple chặn SIM ghép “thần thánh” phiên bản đầu tiên hồi tháng 10, sau đó liên tục là điệp khúc chặn – tung phiên bản SIM mới – thực chất là cập nhật mã ICCID để đánh lừa hệ thống của Apple.
Giá của những chiếc SIM ghép cũng từ đó ngày một giảm xuống. Từ chỗ có giá vài trăm nghìn, hiện nhiều cửa hàng chỉ bán SIM ghép với giá 30.000-50.000 đồng như một động thái hỗ trợ khách hàng hơn là thu lãi. Nhiều đơn vị cho hay họ bắt đầu thấy mệt mỏi vì kinh doanh iPhone khóa mạng. Riêng việc hỗ trợ nâng cấp hoặc đổi SIM ghép đã khiến họ đau đầu.
Nói về chuyện có hay không việc iPhone khóa mạng sẽ bị xóa sổ khỏi thị trường trong tình hình hiện nay, phần lớn cửa hàng tin rằng sản phẩm này có thể khó bán nhưng vẫn sẽ tồn tại.
Thứ nhất, mức giá rẻ hơn đến cả triệu đồng, thậm chí 3-4 triệu với những sản phẩm như iPhone X đời mới nhất vẫn là thứ gì đó cực thu hút người dùng.
Quan trọng hơn, một người buôn iPhone lâu năm cho hay iPhone khóa mạng sở dĩ xuất hiện nhiều như vậy trên thị trường là vì có một ê-kíp rất hùng hậu chống lưng cho sản phẩm này. Nguồn máy được tuồn ra từ các nhà mạng dồi dào. Do đó, họ sẽ liên tục tìm cách cải tiến các loại SIM ghép hoặc biện pháp nào đó để iPhone lock sử dụng được, bất chấp động thái cứng rắn từ Apple.
SIM ghép là thuật ngữ dùng để chỉ một bản mạch nhỏ, dùng để đánh lừa iPhone khóa mạng nhận những chiếc SIM không thuộc nhà mạng đó (chẳng hạn Sprint của Mỹ, Softbank, Docomo của Nhật). Trước đây, người sử dụng iPhone khóa mạng kèm SIM ghép gặp khá nhiều bất tiện như phải lưu danh bạ bằng đầu +84, không thể gọi iMessage, FaceTime hay phát Wi-Fi từ điện thoại.
Sau này, các đầu mối tại Trung Quốc phát hành loại SIM ghép hiện đại mà người dùng Việt Nam gọi là SIM ghép “thần thánh”, khắc phục tất cả lỗi này, biến chiếc iPhone khóa mạng thành máy quốc tế. Hiện loại SIM ghép này đã có phiên bản thứ 3, cũng là phiên bản vừa bị Apple chặn trên máy khóa mạng.