Siết chặt quản lý xe đưa đón học sinh

Việc bảo đảm các điều kiện an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe hợp đồng đưa, đón luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm.

Trường Iris (TP. Thái Nguyên) hiện có 25% học sinh đăng ký di chuyển bằng xe bus Nhà trường.

Trường Iris (TP. Thái Nguyên) hiện có 25% học sinh đăng ký di chuyển bằng xe bus Nhà trường.

Có cháu nhỏ, sử dụng dịch vụ xe đưa đón gần 5 năm, bà Đào Thanh Hảo, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), vẫn không khỏi lo lắng khi thỉnh thoảng lại có vụ việc trẻ bị bỏ quên trên xe, hay xe đưa đón học sinh gây tai nạn. Bà Hảo chia sẻ: Nhà tôi cách trường học của cháu 7km nên ngay từ khi cháu vào lớp 1, gia đình đã ký hợp đồng xe đưa, đón, giúp cháu đi học đúng giờ, không lo mưa, nắng. Tuy nhiên, tôi rất mong muốn các quy định đối với xe đưa đón được thống nhất, đảm bảo hiệu quả thực thi để đảm bảo việc kiểm soát học sinh lúc đưa, lúc đón được hiệu quả và an toàn.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 972 doanh nghiệp, cá nhân có phương tiện kinh doanh vận tải hành khách với 3.150 phương tiện. Trong đó có 278 phương tiện hợp đồng đưa, đón học sinh, tập trung nhiều ở các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Phú Bình, Định Hóa… Hoạt động này làm giảm lượng lớn phương tiện tham gia giao thông giờ cao điểm, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông; đồng thời giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian ngày 2 buổi đưa, đón con đến trường và về nhà.

Cô giáo Nông Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Định Hóa, cho biết: Nhà trường hiện có 1.500 học sinh, trong đó có khoảng 20% học sinh sử dụng xe hợp đồng để đến trường. Đa phần các em đều ở cách trường trên 5km, xe đưa, đón đã giúp các em vơi bớt vất vả, rút ngắn thời gian đi lại. Tuy nhiên, đây đều là dịch vụ tự phát, thỏa thuận đơn giản giữa lái xe (hoặc chủ xe) với phụ huynh. Thông tin trao đổi giữa hai bên chỉ gồm: giờ đón - trả; điểm đón - trả và số tiền/tháng. Ngoài ra không có bất cứ yêu cầu, ràng buộc, thỏa thuận nào được ký kết. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho các em, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, phụ huynh chỉ sử dụng dịch vụ từ các nhà xe uy tín, đủ năng lực, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Còn Trường Iris (TP. Thái Nguyên) hiện có tới 25% trong tổng số 800 học sinh đăng ký di chuyển bằng xe bus của Trường. Để đáp ứng nhu cầu của học sinh, Nhà trường bố trí vận hành 15 xe bus 16 chỗ ngồi; trên mỗi xe đều sử dụng ứng dụng Iris Smart School báo cáo thông tin 3 chiều giữa Nhà trường, người vận hành xe bus và phụ huynh học sinh; đồng thời có tối thiểu 1 cán bộ phụ trách an toàn.

Trên mỗi xe bus, Trường Iris (TP. Thái Nguyên) bố trí tối thiểu 1 cán bộ phụ trách an toàn và được tập huấn định kỳ.

Trên mỗi xe bus, Trường Iris (TP. Thái Nguyên) bố trí tối thiểu 1 cán bộ phụ trách an toàn và được tập huấn định kỳ.

Bà Bạch Phương Vinh, Tổng Hiệu trưởng Trường Iris, cho biết: Bên cạnh việc đưa ra các quy định chặt chẽ, chúng tôi thường xuyên tập huấn, tuyên truyền cho đội ngũ lái xe, nhân viên đưa đón, bảo vệ để cán bộ từng khâu làm hết trách nhiệm bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng xe đưa đón. Cùng với đó là hướng dẫn học sinh các nguyên tắc an toàn, quy tắc thoát hiểm trong trường hợp xe gặp sự cố hoặc học sinh gặp sự cố (ấn còi báo động, dụng cụ phá cửa kính...).

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông trong trường học và các nhà xe hợp đồng đã được cơ quan chức năng đẩy mạnh. Cùng với đó, công tác xử lý vi phạm được tăng cường, nên các chủ xe đã quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện. Một số nhà xe sử dụng xe cũ, hết niên hạn sử dụng, chưa đảm bảo an toàn để đưa, đón học sinh đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Để siết chặt hơn nữa việc quản lý các phương tiện đưa đón học sinh, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2930/UBND-CNN&XD ngày 10/6/2024 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đối với xe ô tô đưa đón học sinh đến trường.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục, các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Đồng thời yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn có sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh đến trường thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng học sinh khi lên xe và rời xe; ghi rõ những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về ATGT, bảo vệ sức khỏe cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe…

Trung tá Chu Anh Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý tại các khu vực, các trường có xe đưa, đón học sinh; trong đó chú trọng kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải với loại phương tiện này như: phù hiệu, niên hạn sử dụng, hạn đăng kiểm, giám sát hành trình, camera giám sát; kiên quyết không để xảy ra tình trạng xe hết niên hạn sử dụng, tài xế không có bằng lái xe, sử dụng phương tiện không đúng mục đích, không đảm bảo an toàn.

Thực tế chứng minh, không chỉ cơ quan chức năng mà bản thân nhà trường và các bậc cha mẹ học sinh cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc bảo vệ, giám sát an toàn cho con em mình. Phương án tổ chức xe đưa đón học sinh cần đặt yếu tố an toàn lên trên hết, ràng buộc trách nhiệm cụ thể từ lái xe, phụ xe, chủ xe đến đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải.

Các điều kiện về an toàn không thể bị đánh đổi do tiết kiệm chi phí hay vì bất kỳ lý do nào khác. Chăm lo cho học sinh trên từng cung đường là hành động thiết thực để nâng bước các em đến trường, đồng thời góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/atgt/202407/siet-chat-quan-ly-xe-dua-don-hoc-sinh-2ef141a/