Siết chặt quản lý thị trường bánh Trung thu

Tết trung thu đã tới gần, nhu cầu về bánh trung thu và bánh kẹo của thị trường sẽ tăng đột biến. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên lựa chọn các sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bắt giữ hàng loạt vụ buôn lậu bánh Trung thu

Từ thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 đến nay, trong thời gian gần 2 tháng trước tết Trung thu, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã liên tục phát hiện và bắt giữ các vụ việc vận chuyển, kinh doanh trái phép bánh Trung thu nhập lậu, không đảm bảo chất lượng.

Hàng nghìn sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu đã bị thu giữ chỉ trong vòng 1 tháng

Hàng nghìn sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu đã bị thu giữ chỉ trong vòng 1 tháng

Mới đây, cơ quan chức năng TP Hà Nội đã phá đường dây buôn lậu bánh Trung thu Trung Quốc siêu lợi nhuận, ước tính số lượng sản phẩm bị thu giữ trong những ngày qua là hơn 20.000 sản phẩm.Trong số đó phổ biến nhất là loại bánh Trung thu trứng chảy (có tên gọi là Liu Xin Su) đang gây sốt trên “chợ mạng”. Loại bánh này mới xuất hiện trên thị trường, giá bán dao động từ 50.000-260.000 đồng/hộp 6 bánh. Thực tế giá nhập vào chỉ vài chục nghìn đồng, rẻ bằng 1/3 giá bán ra.Hiện chưa cơ quan nào kiểm tra chất lượng để khẳng định loại bánh trung thu trứng chảy này có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.Toàn bộ số bánh này được nhập lậu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch ở Lào Cai để đưa vào nội địa tiêu thụ.

Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, lực lượng chức năng cũng liên tiếp bắt giữ số lượng lớn đến hàng nghìn sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu. Đầu tháng 8, tại huyện Chi Lăng, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với đội kiểm soát giao thông và công an tỉnh Lạng Sơn đã thu giữ khoảng 2.600 bánh dẻo và bánh ngọt do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Các đối tượng vi phạm bị xử phạt hành chính, toàn bộ số tang vật bị tịch thu để xử lý theo quy định. Gần đây, thông qua việc tiến hành kiểm tra đột xuất một số hộ kinh doanh tại huyện Văn Lãng, lực lượng chức năng cũng phát hiện hơn 814 hộp bánh dẻo nhãn hiệu Mashu loại 2kg/hộp do Trung Quốc sản xuất, số lượng 56.980 chiếc bánh với tổng trị giá khoảng trên 100 triệu đồng.Tại thời điểm kiểm tra các chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, không có giấy kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.Số hàng đã bị tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cuối tháng 7, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh đã phải tiêu hủy gần 4.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu từ Trung Quốc, tổng trị giá số hàng hóa là trên 15 triệu đồng.

Để buôn bán trót lọt, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, phương tiện vận chuyển và thậm chí đổi địa điểm tập kết hàng hóa liên tục. Về đến nơi tiêu thụ, các đối tượng thường phân chia, xé lẻ hàng đi ngay chứ không tập kết lâu ở một địa điểm.

Các vụ bắt giữ gần đây cho thấy một thủ đoạn chung các đối tượng thường sử dụng để tiêu thụ hàng lậu là rao bán trên các trang mạng, khi khách đặt hàng mới bắt đầu vận chuyển gửi hàng.

Tăng cường kiểm soát thị trường

Càng đến gần ngày Trung thu, công tác quản lý thị trường càng được siết chặt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Ngay từ đầu tháng 8, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ra Công văn số 1417/TCQLTT- CNV yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau tết Trung thu năm 2019, trong đó đặc biệt chú ý mặt hàng bánh trung thu.

Lực lượng QLTT nghiêm ngặt kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; đặc biệt lưu ý kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng.

Riêng các cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn, bánh trung thu giá rẻ, bánh nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu.

Công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh trung thu được chú trọng thực hiện thông qua việc lấy mẫu bánh lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn tương ứng; chú ý kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.Đồng thời phối hợp với các cơ quan trên địa bàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bày bán bánh trung thu về hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa; việc thực hiện các quy định về ghi nhãn, niêm yết giá, quảng cáo, khuyến mại và việc chấp hành các quy định về điều kiện bảo quản, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ.

Bản thân người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức pháp luật và cẩn trọng trong việc mua và sử dụng các loại bánh trung thu cũng như thực phẩm nói chung; chú ý kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, điều kiện bảo quản thực phẩm, đặc biệt đối với hình thức mua bán sản phẩm qua các website và mạng xã hội.

Nguyễn Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/siet-chat-quan-ly-thi-truong-banh-trung-thu-124230.html