SCIC thúc đẩy cơ hội đầu tư, kinh doanh với doanh nghiệp Italia
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Italia, Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) vừa làm việc với Tập đoàn Bảo hiểm và Tài chính tín dụng Italia (SACE).
SACE là Tập đoàn bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và đầu tư của Chính phủ Italia, được thành lập vào năm 1977, có trụ sở chính tại Rome và hoạt động dưới sự giám sát của Bộ Kinh tế và Tài chính Italia.
SACE chuyên cung cấp các giải pháp tài chính và bảo hiểm cho các doanh nghiệp Italia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), nhằm hỗ trợ họ trong việc mở rộng ra thị trường quốc tế.
SACE cung cấp các dịch vụ bảo hiểm tín dụng, bảo lãnh đầu tư, và các giải pháp tài chính nhằm giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp Italy khi tham gia vào các hoạt động xuất khẩu và đầu tư. Công ty cũng tham gia vào các tổ chức đa phương như OECD và Berne Union, nhằm thúc đẩy các quy định và tiêu chuẩn trong ngành bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Tại buổi làm việc, bà Michal Ron - Giám đốc Kinh doanh quốc tế, Tập đoàn SACE nhận định, sự phát triển kinh tế nhanh chóng cùng vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi công nghiệp toàn cầu đã giúp Việt Nam trở thành một đối tác tiềm năng lớn của Italia.
Bà Michal Ron đánh giá Việt Nam nằm ở khu vực có rất nhiều tiềm năng, là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Italia đã xuất khẩu nhiều sản phẩm qua Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (tháng 8/2020) đã tạo ra những đột phá trong phát triển thương mại giữa 2 nước. Nhờ vào EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Italia đã tăng 10%/năm, đặc biệt là cung cấp máy móc công nghiệp nhẹ, máy móc nông nghiệp, dược phẩm...
SACE đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và đang cân nhắc các hoạt động đầu tư ở nhiều lĩnh vực thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như thực phẩm - đồ uống, các mặt hàng nông sản (đặc biệt là cà phê), điện tử, logistics, y tế…
Tại đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Tập đoàn SACE. Bà Michal Roncho nhấn mạnh, SACE và SCIC hướng tới mục tiêu cùng phát triển. Trong đó, SCIC là đối tác rất quan trọng, hỗ trợ SACE về phát triển thương mại và đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam.
Chứng kiến lễ ký kết, Phó Chủ tịch UBQLV Nguyễn Cảnh Toàn cho biết, CMSC được thành lập từ năm 2018 với chức năng là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật; trong đó, có 07 doanh nghiệp là công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu chi phối và 12 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Các doanh nghiệp của UBQLV đều mong muốn thông qua học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quốc tế sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước và quản trị doanh nghiệp, ngày càng thể hiện được vai trò dẫn dắt các thành phần kinh tế, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ - ông Nguyễn Cảnh Toàn bày tỏ.
Trong đó, SCIC là doanh nghiệp 100% sở hữu vốn nhà nước, được thành lập năm 2005, là một trong những công cụ hữu hiệu của Chính phủ về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Định hướng hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam. SCIC có mạng lưới quan hệ đối tác quốc tế rộng lớn gồm các Quỹ Đầu tư Quốc gia tại nhiều vùng và lãnh thổ trên thế giới.
“Việc SCIC và SACE tiến hành Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác (MOU) là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đặt nền móng tốt cho quan hệ đối tác giữa hai Tập đoàn nói riêng, góp phần phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn 50 năm qua giữa Việt Nam và Italia” - Phó Chủ tịch UBQLV Nguyễn Cảnh Toàn nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Huy - Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc SCIC cho biết, việc ký kết MOU được xem là nền tảng thuận lợi cho SCIC và SACE tìm kiếm, nhận diện và xúc tiến các cơ hội hợp tác trong tương lai. SCIC mong muốn, với cơ chế hợp tác vừa được thiết lập cùng SACE, SCIC sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư Italia tham gia vào quá trình thoái vốn của SCIC tại doanh nghiệp, đồng thời cũng mang lại các cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Italia./.