Sau vụ cháy tại Trung Kính: Quản lý chặt theo giấy phép xây dựng

Nhìn lại các vụ cháy chung cư mi ni hay nhà trọ, nhiều tồn tại được chỉ ra và cần sớm được khắc phục để hạn chế các thiệt hại, giảm thiểu các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian tới.

Nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, tan hoang sau khi xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Hải Hà.

Nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, tan hoang sau khi xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Hải Hà.

Vụ cháy nhà tại số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy ngày 24-5, làm 14 người thiệt mạng khiến dư luận bàng hoàng. Qua vụ hỏa hoạn này, một lần nữa cho thấy, những vấn đề tồn tại cần sớm khắc phục để giảm thiểu các vụ cháy cũng như hậu quả của nó.

Thứ nhất, các quy hoạch phân khu chưa đạt được tiến độ kịp với tốc độ phát triển đô thị, xây dựng nhà ở, triển khai dự án, tạo nên khoảng trống trong công tác quản lý. Các giải pháp quy hoạch tại khu vực dân cư cũ của đô thị dường như còn lúng túng trước thách thức, yêu cầu nâng cấp hệ thống hạ tầng, bảo đảm tiện ích sống, cũng như an toàn phòng cháy, chữa cháy trong bối cảnh mật độ nhà ở và dân cư rất đông. Như trường hợp vụ cháy nhà trọ phố Trung Kính, vị trí nhà cháy trong ngõ rất sâu, xe cứu hỏa không vào được và lực lượng chữa cháy phải rất vất vả để dập tắt đám cháy.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy gặp nhiều khó khăn khi dập tắt vụ hỏa hoạn. Ảnh: Chu Dũng.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy gặp nhiều khó khăn khi dập tắt vụ hỏa hoạn. Ảnh: Chu Dũng.

Bên cạnh đó, hệ thống họng nước chữa cháy, bể chứa nước chữa cháy trong các khu dân cư cũ đông người cần được quan tâm, quy hoạch bổ sung theo đúng quy chuẩn xây dựng, bảo đảm bán kính sử dụng và thời gian ứng cứu hiệu quả.

Theo điều 10.9 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622-1995 và đã được kế thừa một phần trong Quy chuẩn 06/2022 về an toàn cháy cho nhà và công trình, đã quy định: Trụ nước chữa cháy ngoài nhà phải bố trí dọc theo đường giao thông, khoảng cách giữa các trụ không quá 150m. Đối với các chung cư trong khu công nghiệp, đô thị hay khu dân dụng mà lưu lượng nước chữa cháy bên ngoài không lớn quá 20l/s thì khoảng cách giữa hai trụ nước chữa cháy ngoài nhà không quá 120m.

Thứ hai, về quản lý đô thị theo quy hoạch, thành phố đã rà soát và chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại, như công trình nhà ở xây dựng sai phép. Thành phố và các địa phương đã vào cuộc khắc phục, nhưng do đặc thù công trình thuộc sở hữu dân cư, với khả năng tài chính phức tạp, nên việc khắc phục triệt để còn chậm so với yêu cầu.

Đặc biệt, việc quản lý chức năng sử dụng các công trình nhà ở dân cư cũng cần được sớm khắc phục. Việc cải tạo, bổ sung hạng mục, chuyển đổi từ nhà ở sang các chức năng khác chỉ là giải pháp tình thế.

Chung cư mini tại Khương Hạ, nơi xảy ra hỏa hoạn nằm giữa khu dân cư đông đúc. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.

Chung cư mini tại Khương Hạ, nơi xảy ra hỏa hoạn nằm giữa khu dân cư đông đúc. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.

Qua vụ cháy tại Khương Hạ (quận Thanh Xuân) năm 2023, và vụ cháy tại Trung Kính mới đây cho thấy, công trình là nhà ở hộ gia đình được chuyển đổi thành chung cư mi ni, hoặc bố trí cho thuê... nên thiếu lối thoát hiểm. Khi có lửa bùng phát việc thoát nạn gặp khó khăn.

Điều này rõ ràng đặt ra các vấn đề về siết chặt công tác quản lý sử dụng công trình nhà ở dân dụng tại địa bàn dân cư theo giấy phép xây dựng đã được phê duyệt, đảm bảo các tiêu chí “giấy phép nào, sử dụng đó”.

Đây là điều cần được làm ngay và triệt để. Cũng cần kiên quyết bắt buộc chủ nhà phải dừng các chức năng sử dụng không phù hợp với giấy phép, hoặc phải xây dựng mới hay cải tạo các công trình này theo đúng các quy định về an toàn cháy phù hợp nhu cầu và mục đích sử dụng mới phát sinh.

Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tổ chức diễn tập giúp người dân thực hành các kỹ năng thoát nạn trong hỏa hoạn. Ảnh: Chu Dũng.

Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tổ chức diễn tập giúp người dân thực hành các kỹ năng thoát nạn trong hỏa hoạn. Ảnh: Chu Dũng.

Thứ ba, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho người dân cũng còn nhiều bất cập, chưa nâng cao ý thức để người dân nắm rõ các nguyên tắc và thiệt hại xảy ra đối với bản thân; đồng thời, xóa bỏ việc bất chấp hậu quả để chạy theo lợi nhuận, tự giác và gương mẫu chấp hành đúng các quy định về xây dựng, sử dụng vận hành, bảo trì và bảo dưỡng công trình.

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, để bảo đảm tiện nghi và an toàn cho người dân, cần triển khai đồng bộ, đồng thời, nhiều giải pháp về quy hoạch đô thị, quản lý đô thị và quản lý dân cư, vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân mới có thể đạt được kết quả cao nhất.

Đặc biệt, các nền tảng ứng dụng công nghệ số, như quản lý xây dựng và nhân khẩu điện tử, sử dụng hệ thống camera an ninh và giám sát an ninh - xây dựng cải tạo công trình nhà ở tại địa bàn dân cư, triển khai các đường dây nóng… có thể xem là những công cụ rất hữu hiệu để nâng cao chất lượng quản lý trong thời gian tới.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sau-vu-chay-tai-trung-kinh-quan-ly-chat-theo-giay-phep-xay-dung-667397.html