Sau siêu bão, Bangladesh đối mặt khủng hoảng nhân đạo vì lũ lụt kỷ lục

Bangladesh có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo khi người dân nước này oằn mình đối phó với trận lũ lụt kéo dài nhất trong nhiều thập kỷ.

Trước đó, nước này cũng vừa bị siêu bão Amphan đổ bộ gây ra thiệt hại nặng nề, theo Guardian. Cũng mới đây, gió mùa mang theo mưa lớn làm nhiều con sông, với bờ bị xói mòn nghiêm trọng, gây ra lũ lụt lớn.

Dù Liên Hợp Quốc đã sớm triển khai các sáng kiến mới về can thiệp nhân đạo cho người dân chịu khủng hoảng, vẫn có khoảng 550 người thiệt mạng và 9,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở Bangladesh, Nepal và đông bắc Ấn Độ, theo Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế.

Bộ Thiên tai Bangladesh đã ước tính rằng một phần ba diện tích nước này đang ở trong tình trạng ngập lụt và mưa lớn có thể kéo dài đến cuối tháng 7. Liên Hợp Quốc ước tính trận lụt này có thể là trận lũ lụt kéo dài nhất kể từ năm 1988.

Rezaul Karim Chowdhury, Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Coast, cho biết Bangladesh đã có hệ thống ứng phó với lũ lụt tốt hơn trước đây, nhưng người dân ở các vùng bị ngập lụt vẫn rất thiếu thốn do gặp liên tiếp nhiều cuộc khủng hoảng. Thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và do chính phủ đóng cửa 25 nhà máy quốc doanh, chủ yếu ở khu vực phía bắc.

"Cả nước bị phong tỏa vì Covid-19 và điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân. 40% thu nhập của người dân nông thôn là từ khu vực thành thị. Gần 1/3 dân số đã rơi xuống mức nghèo. Điều này sẽ có tác động đến an ninh lương thực và sức mua. Đây là tình hình nghiêm trọng cần phải được khắc phục", ông nói.

Rezaul Karim Chowdhury cũng cho biết các tổ chức địa phương đã cạn kiệt nguồn vốn ứng phó với đại dịch nên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế sẽ cần phải can thiệp, đặc biệt là hỗ trợ nông dân bị thiệt hại vụ thu hoạch lúa vào tháng 8 vì lũ lụt.

Liên Hợp Quốc cho biết đã cố gắng giảm thiểu thiệt hại của thiên tai đối với sinh kế của người dân. Tổ chức này cũng giải ngân gói cứu trợ trị giá 5,2 triệu USD từ quỹ dự phòng cho các khu vực chịu khủng hoảng nhân đạo dưới dạng tiền mặt, bộ dụng cụ vệ sinh, y tế và thiết bị bảo vệ nông sản khỏi ảnh hưởng của lũ lụt.

Quan chức Liên Hợp Quốc về các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock cho biết: "Chuẩn bị tốt để ứng phó trước khi khủng hoảng xảy ra có thể cứu được nhiều mạng sống hơn và tiết kiệm kinh phí hơn... Nếu biết trước sắp có lũ lụt, tại sao không cung cấp cho người dân phương tiện để tự cứu mình và gia súc, thay vì chờ đợi đến khi họ mất tất cả?".

Ông Sheikh Rokon, người sáng lập nhóm chiến dịch Riverine People, cho biết gió mùa rất cần thiết đối với cuộc sống người dân Bangladesh. Gió mùa mang theo mưa làm nước sông dâng trở lại và mang lại sự sống cho vùng đất này. Nhưng biến đổi khí hậu và môi trường gần đây khiến cuộc sống của cộng đồng cư dân trở nên khó khăn hơn.

"Bờ sông bị xói mòn khiến tình hình tồi tệ hơn. Người dân mất tất cả, chỉ còn hy vọng và phải vật lộn trong nhiều ngày. Năm nay, cư dân sinh sống trên khắp các lưu vực sông Brahmaputra và Teesta đang đối mặt với tình trạng xói mòn nghiêm trọng. Lũ lụt khiến cuộc sống và sinh kế của họ trở nên khó khăn hơn", ông nói.

Vì sao lũ lụt ở Trung Quốc năm nay lại đặc biệt nghiêm trọng? Tính từ đầu tháng 6 đến nay, mưa lớn đã trút xuống 27/31 tỉnh thành ở Trung Quốc, làm chết hoặc mất tích 140 người và ảnh hưởng tới hơn 37 triệu người ở nước này.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sau-sieu-bao-bangladesh-doi-mat-khung-hoang-nhan-dao-vi-lu-lut-ky-luc-post1111185.html