Sau mưa lũ, đất sản xuất bên sông Ngàn Sâu liên tục bị 'nuốt chửng'
Sau ảnh hưởng các đợt mưa lũ vừa qua đã khiến nhiều diện tích đất sản xuất dọc bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua địa bàn xã Hương Thủy (huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị sạt lở, sụt lún, đổ sập nghiêm trọng và đang tiếp tục lan rộng nguy hiểm.
Những ngày này đi dọc tuyến sông Ngàn Sâu (đoạn qua địa bàn xã Hương Thủy), chúng tôi ghi nhận có hàng loạt vị trí xung yếu, đất sản xuất, đất bỏ không đã bị cuốn sạt lở, sụt lún, đổ sập ngổn ngang và trôi tuột xuống theo dòng nước.
Dưới lòng sông sâu nước đục ngầu, chảy mạnh cuộn vào bờ tiếp tục kéo làm nhiều khối bùn ướt và mảng đất ở phía trên bị nứt toác, sạt lở.
Nhiều khu vực sạt lở đã ăn sâu vào diện tích đất sản xuất của người dân hàng chục mét, chiều cao sạt lở tính từ trên mặt đất xuống lòng sông từ 10-15m; thậm chí sạt lở lan rộng gần đến mép tuyến Huyện lộ 6.
Những khối đất còn lại đứng cheo leo cũng đã bị khoét hàm ếch, nứt ngang nẻ dọc và có nguy cơ đổ sập xuống lòng sông bất cứ lúc nào.
Đang đi chăn bò gần khu vực, một số người dân ở xã Hương Thủy lo lắng, cho biết, tình trạng bờ sông Ngàn Sâu bị sạt lở, cuốn trôi mất đất sản xuất đã diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt, sau các đợt mưa lớn, lũ lụt vừa qua khiến sạt lở ngày càng diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, ăn sâu vào diện tích sản xuất, tạo thành vực sâu.
Đặc biệt, tại khu vực này, sạt lở đã tạo thành hố sụt lún "khổng lồ" rất nguy hiểm cho người và gia súc qua lại.
Lo lắng nhất là sạt lở vẫn tiếp tục lan rộng, nhiều diện tích đất sản xuất hoa màu đã bị cuốn trôi nhưng không có giải pháp nào để ngăn chặn. Thời gian qua, người dân đã kiến nghị lên cấp trên xem xét đầu tư kinh phí làm tuyến kè kiên cố để bảo vệ đất đai sản xuất, hoa màu, song không có kết quả.
Ông Ngô Xuân Tân, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết, tình trạng sụt lún, sạt lở dọc bờ sông Ngàn Sâu ngày càng nghiêm trọng, đã làm mất nhiều hecta đất sản xuất hoa màu của người dân, nhất là tại địa bàn các thôn 4, 6, 7… với chiều dài khoảng 400m nhưng chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn hiệu quả.
Đặc biệt, mới đây, do ảnh hưởng mưa lũ, nước dâng cao, xoáy mạnh đã làm sạt lở, tạo thành hố sụt lún lớn gần tuyến Huyện lộ 6, với độ sâu 6-8m, chiều rộng hàng chục mét, rất nguy hiểm.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người, gia súc qua lại và hạn chế sạt lở tiếp diễn, địa phương đang có kế hoạch sẽ huy động phương tiện, nhân lực vận chuyển, đổ đất san lấp tại hố sụt lún này và trồng một số cây xanh. Còn việc làm kè kiên cố thì phải trông chờ từ cấp tỉnh trở lên, nguồn lực kinh phí của huyện và xã không thể nào đáp ứng được.
Theo ông Ngô Xuân Tân, thời gian qua, người dân và chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên cấp trên để xem xét đầu tư kinh phí làm tuyến kè kiên cố ngăn sạt lở tại một số khu vực xung yếu, bảo vệ đất sản xuất, đời sống nhân dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Hiện nay, rất lo lắng, vì tình trạng sạt lở đang diễn biến lan rộng, phức tạp và báo động đỏ. Thời gian tới nếu vẫn không có giải pháp khắc phục triệt để thì đất sản xuất của người dân sẽ tiếp tục bị cuốn trôi, "nuốt chửng".
>> Một số hình ảnh sạt lở dọc bờ sông Ngàn Sâu ở xã Hương Thủy: