Sau kỳ nghỉ Tết học trò có tâm lý 'chơi hết mùng', GV phải vào tận bản đón

Các trường vùng cao cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đầu năm nhằm lôi cuốn học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khá dài.

Trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, nhiều giáo viên ở các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi phải vào tận từng bản làng, gõ cửa từng nhà để tìm học sinh, sớm đưa các em trở lại lớp.

Lo lắng học trò bỏ học đi lao động sau Tết

Những ngày này, khu vực miền núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa lạnh, rét buốt khiến con đường đến trường của học sinh vùng cao càng thêm gian nan, vất vả.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) luyện tập để chuẩn bị cho hội thi cồng, chiêng ngày đầu năm mới. Ảnh: NKĐ

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) luyện tập để chuẩn bị cho hội thi cồng, chiêng ngày đầu năm mới. Ảnh: NKĐ

Lo lắng học sinh sau kỳ nghỉ Tết dài sẽ “quên” đến lớp nên giáo viên nhiều trường phải tỏa về các thôn, bản để tìm hiểu, vận động các em đến trường.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/1, thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết, tỷ lệ học sinh ra lớp sau thời gian nghỉ Tết của nhà trường đạt khoảng 97.08%.

“Theo thống kê từ các lớp thì hiện vẫn còn 8 em học sinh chưa đến trường sau Tết. Nhà trường đang tìm hiểu nguyên nhân vì sao các em chưa ra lớp, có thể là do bị ốm hoặc vì một lý do nào đó nên chưa kịp ra trường.

Đối với những học sinh này, các giáo viên của trường sẽ đến tận từng nhà để tìm hiểu, nắm rõ tâm tư nguyện vọng của các em nhằm có giải pháp hỗ trợ kịp thời”.

Cũng theo thầy Điệp, khác với những năm trước đây khi đường sá đi lại còn khó khăn, giao thông ở Trà Mai giờ đây đã đi lại thuận lợi hơn nên học trò cũng ra lớp nhiều hơn.

“Dù vậy, hầu như năm nào các thầy, cô cũng phải đến tận từng nhà học sinh chưa trở lại trường để gõ cửa, đưa học sinh trở lại lớp học sau Tết. Lo nhất là kỳ nghỉ Tết kéo dài nên các em ở nhà, nghe theo lời của bạn bè bỏ học đi sang địa phương khác lao động, kiếm tiền.

Việc bỏ học giữa chừng sẽ khiến các em chịu nhiều thiệt thòi sau này. Nên ngay sau Tết, dù thời tiết khắc nghiệt nhưng các thầy cô đã có mặt ở các bản để động viên, đưa các em trở lại trường”, thầy Điệp nói.

Tại huyện miền núi Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi, nhiều giáo viên vùng cao đã không quản ngại mưa gió để đến nhà động viên học sinh trở lại trường.

Thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Tây (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) cho hay: “Ngày 30/1, toàn bộ giáo viên của nhà trường đã xuống phối hợp với cán bộ các xã, các thôn để vận động học sinh ra lớp. Đến nay thì tỷ lệ học sinh ra lớp đạt khoảng hơn 90%.

Đối với những học sinh còn vắng thì nhà trường đã tổng hợp danh sách báo cáo với chính quyền xã để cán bộ xã phối hợp với giáo viên nhà trường tiếp tục vận động các em ra lớp nhằm bảo đảm công tác dạy, học”.

Cô giáo Nguyễn Thị Trang, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Ba Lế (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) chia sẻ, sau kỳ nghỉ Tết, vẫn còn một số học sinh chưa đến lớp. Nguyên nhân một phần do các em nghỉ đau ốm, một số ít em còn ngại đường sá xa xôi, mưa gió nên còn tâm lý “chơi hết mùng”.

“Theo sự phân công của nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm sẽ rà soát sĩ số học sinh các lớp, sau đó đến tận từng bản làng để vận động các em. Do kỳ nghỉ kéo dài nên nhiều em cũng nảy sinh tâm lý chán học, muốn đi chơi, nhiều em còn nghe lời bạn bè muốn bỏ học giữa chừng để xuống thành phố kiếm việc làm.

Nên khi tiếp xúc với các em, thầy cô cũng phải nắm bắt tâm lý để trò chuyện, kéo các em trở lại lớp. Việc duy trì sĩ số sau Tết, sau hè hoặc các kỳ nghỉ lễ dài ngày đều rất khó khăn, nhất là ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa”, cô Trang cho biết thêm.

Tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ

Theo cô Trang, hành trang “vào bản” của các thầy cô đi tìm học trò luôn có những phong bao lì xì nhiều màu sắc, những gói kẹo, tập vở, truyện tranh…

Những món quà tuy nhỏ nhưng là niềm động viên, khuyến khích các em trở lại với trường, lớp, tránh bị “đứt con chữ” giữa chừng.

Để lôi kéo học sinh trở lại lớp, thầy Điệp cho biết, trong những ngày ra lớp sau Tết, nhà trường không bắt tay vào việc dạy chương trình mới ngay mà chủ yếu ôn tập lại kiến thức cho các em. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để khuyến khích, tạo không khí vui tươi cho các em có sự hào hứng khi trở lại trường.

“Hiện nhà trường đang tổ chức cho các em học sinh tập và ôn lại các bài cồng chiêng để tham gia dự hội thi học sinh dân tộc thiểu số đánh cồng, chiêng do ngành giáo dục tổ chức ngày 1 và 2/2.

Ngoài ra, trường cũng tổ chức các cuộc thi đấu thể dục, thể thao giữa các lớp nhằm tạo sân chơi cho các em vui xuân ngày đầu năm. Đó cũng là cách để kéo các em trở lại trường học”, thầy Điệp nói.

Tại huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam), nhiều trường học cũng tổ chức các lễ hội, hội thi, chương trình lì xì đầu năm, hái lộc… giúp học sinh có được cảm giác thoải mái nhất khi đến trường sau kỳ nghỉ dài, tránh chuyện áp lực bài vở.

AN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sau-ky-nghi-tet-hoc-tro-co-tam-ly-choi-het-mung-gv-phai-vao-tan-ban-don-post232765.gd