Sau hàng loạt vụ nổ rúng động Lebanon, điện thoại di động còn an toàn không?
Sau vụ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah đồng loạt phát nổ, nhiều người lo ngại về một kỷ nguyên mà mọi phương tiện có kết nối Internet đều có nguy cơ bị biến thành vũ khí.
Trong bài đăng trên Washington Post, tác giả David Ignatius cho rằng những vụ nổ bộ đàm và máy nhắn tin của Hezbollah hồi đầu tuần này đánh dấu sự khởi đầu của "một kỷ nguyên nguy hiểm trong chiến tranh không gian mạng", khi "mọi thiết bị kết nối với Internet đều có khả năng biến thành vũ khí".
Tuy nhiên, tờ Vox không hoàn toàn đồng tình với góc nhìn này. Theo Vox, bản thân các thiết bị không phải là vũ khí. Chuyện tin tặc sử dụng phần mềm độc hại để can thiệp từ xa hoặc thậm chí kích nổ pin của thiết bị không phải là chuyện mới mẻ, song để gây thiệt hại lớn như ở Lebanon cần tới thuốc nổ đời cũ.
Về mặt công nghệ, vụ ở Lebanon không phải là bước đột phá gì nếu so với vụ Israel ám sát chuyên gia chất nổ chủ chốt của Hamas, Yahya Ayyash, vào năm 1996. Ông Ayyash thiệt mạng vì một chiếc điện thoại di động phát nổ.
Về mặt kỹ thuật, điều gây chú ý nhất trong vụ ở Lebanon là khả năng can thiệp vào chuỗi cung ứng và đưa thuốc nổ vào rất nhiều thiết bị. Nhưng đây là trường hợp thành công hy hữu.
Chẳng hạn, Mỹ sẽ khó rơi vào tình huống tương tự, như tác giả Colin Demarest của Axios chỉ ra " hầu như không có khả năng Lầu Năm Góc mua hàng ngàn máy nhắn tin chứa thuốc nổ C-4 cho lãnh đạo cấp cao".
Dù khả năng một bên khác bắt chước và tấn công với quy mô tương tự ở Lebanon là rất thấp, song các chuyên gia vẫn cho rằng đây là "tiền lệ xấu" và số lượng lớn thiết bị kết nối Internet hiện tại đều có thể trở thành các mục tiêu tiềm tàng.
Với sự phổ biến của điện thoại di động, máy nhắn tin đã lỗi thời. Tuy nhiên, Reuters cho biết thiết bị điện tử này vẫn là phương tiện quan trọng trong một số lĩnh vực, như dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cấp cứu, nhờ độ bền và thời lượng pin dài.
Một bác sĩ thuộc Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) của Anh cho biết nhiều máy nhắn tin có thể phát còi báo động và tin nhắn thoại, gửi cảnh báo đồng loạt tới toàn bộ nhân viên về trường hợp khẩn cấp. Các bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu thường mang theo máy nhắn tin khi trực.
Máy nhắn tin khó bị theo dõi hơn điện thoại thông minh, vì không có công nghệ hiện đại như hệ thống định vị toàn cầu. Trong quá khứ, máy nhắn tin là lựa chọn phổ biến với tội phạm, đặc biệt là nhóm buôn ma túy ở Mỹ.