'Sau đại dịch COVID-19, đầu tư cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở là hết sức cần thiết'

ĐBQH Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, sau đại dịch COVID-19, việc đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở là hết sức cần thiết, được đông đảo cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ.

TP.HCM mong có một gói hỗ trợ để phục hồi kinh tế

Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận về Báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

ĐBQH Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP.HCM cho hay, đại dịch COVID -19 gây hậu quả rất nặng nề, không chỉ trong 1 năm mà kéo dài trong nhiều năm. TP.HCM là địa phương bị tổn thương rất nặng do đại dịch COVID-19 nên mong muốn có một gói hỗ trợ chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM.

Ông Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm, theo báo cáo các mục tiêu chúng ta đã đạt được rất cơ bản. Dù vậy, chúng ta thấy rằng còn đó một số tồn tại như báo cáo của Đoàn giám sát cũng như các đại biểu nêu.

Từ đó, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, dịch COVID-19 xảy ra chưa có trong tiền lệ và chúng ta đã rất lúng túng, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

"TPHCM không thể quên những tháng ngày đau thương đó và càng không thể quên sự hỗ trợ sự giúp đỡ, sự chia sẻ của đồng bào cả nước đối với nhân dân thành phố", đại biểu nói.

Cho rằng nguyên nhân thứ hai đó là thể chế, ông Trần Hoàng Ngân nói: "Tôi nghĩ nguyên nhân thể chế là quan trọng, bởi lúc đó "vừa làm vừa lo sợ", vừa phải cấp bách cứu dân, vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp. Phải làm mọi thứ nhưng lại sợ hậu kiểm, sợ sai". Từ đó, vị ĐBQH TPHCM mong những nguyên nhân này sớm khắc phục để có một gói hỗ trợ đúng hơn, thực tiễn và phù hợp với thực tế phát sinh.

Quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng

Còn ĐBQH Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế với tổng mức vốn bố trí là 14 nghìn tỷ đồng với 145 dự án.

Đến thời điểm hiện nay, tổng số giải ngân của dự án đạt 48% so với tổng mức vốn bố trí theo Nghị quyết số 43. Cho rằng từ nay đến hết năm 2024 không còn nhiều, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương, đơn vị tích cực triển khai phần việc còn lại.

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu.

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu.

Đại biểu nêu lên thực trạng tại tỉnh Lai Châu đó là một số bệnh viện đã quá tải, xuống cấp… do đó ông đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả và sớm đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030 để có giải pháp trong thời gian tới.

Còn ĐBQH Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo rà soát cụ thể toàn bộ danh mục để có chỉ đạo giải quyết dứt điểm theo đúng tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Sau đại dịch COVID-19, đại biểu cho rằng, việc đầu tư cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở là hết sức cần thiết. Đầu tư cho các tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, CDC, bệnh viện… được cử tri và địa phương hết sức ủng hộ và tích cực thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải rà soát, đề xuất lại danh mục nên mất rất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, dẫn đến phân bổ vốn của chương trình chậm.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-dai-dich-covid-19-dau-tu-cho-he-thong-y-te-nhat-la-y-te-co-so-la-het-suc-can-thiet-169240525161647989.htm