Sắp xếp cơ sở vật chất sau sáp nhập xã: Còn nhiều việc phải làm

Vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các xã, phường trong tỉnh đã đồng loạt thực hiện việc bố trí, sắp xếp trụ sở, tài sản công đáp ứng nhu cầu công tác. Bên cạnh hiệu quả bước đầu về tinh gọn bộ máy, tận dụng cơ sở vật chất, tiết kiệm ngân sách, vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh cần chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, để các địa phương áp dụng một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hoằng Sơn. Ảnh: Việt Hương

Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hoằng Sơn. Ảnh: Việt Hương

Linh hoạt bố trí trụ sở làm việc

Được hình thành trên cơ sở 4 xã cũ là Cẩm Tâm, Cẩm Châu, Cẩm Vân và Cẩm Yên, xã miền núi Cẩm Vân có diện tích tự nhiên 88,71km2, dân số hơn 22.700 người. Đây là xã có địa bàn rộng, bị chia cắt do đồi núi, kinh tế còn nhiều khó khăn. Khi sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất các trụ sở làm việc, địa phương đã linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, giao dịch. Trụ sở Đảng ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ xã được đặt tại Công sở xã Cẩm Yên cũ; trụ sở UBND, Trung tâm Phục vụ hành chính công, Trung tâm cung ứng dịch vụ công được đặt tại Công sở xã Cẩm Tâm cũ; Công an xã được bố trí tại Công sở xã Cẩm Châu cũ. Riêng Công sở xã Cẩm Vân cũ tạm thời niêm phong và bố trí một bảo vệ trông coi tài sản.

Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Vân Bùi Thanh Minh cho biết: “Việc bố trí trụ sở như hiện tại trước mắt là giảm bớt áp lực về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị, tận dụng lại các công sở cũ. Hơn nữa, việc bố trí UBND, Trung tâm Phục vụ hành chính công, Trung tâm cung ứng dịch vụ công tại xã Cẩm Tâm cũ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi đến giao dịch, bởi đây là vị trí trung tâm của xã mới. Song, các trụ sở của xã hầu như không đáp ứng được yêu cầu về không gian làm việc cho bộ máy hiện nay với nhiều chức năng hơn. Đảng ủy xã một nơi, UBND xã một nơi, khoảng cách lại cách xa nhau nên chắc chắn ảnh hưởng đến công việc giao ban, họp hành, triển khai các nhiệm vụ tại địa phương”.

Được biết, từ trụ sở Đảng ủy xã đến trụ sở UBND xã Cẩm Vân hiện nay phải di chuyển quãng đường dài hơn 16km. Đáng nói, hệ thống giao thông ở xã miền núi này chưa đồng bộ, nhiều tuyến giao thông chính trong xã đã xuống cấp, khó khăn trong việc đi lại, nhất là trong mùa mưa lũ. Từ trụ sở UBND xã Cẩm Vân đến trụ sở Công an xã cũng cách xa nhau, Nhân dân đến làm các thủ tục hành chính sẽ rất vất vả đi lại. Mặc dù xã đã bố trí một tổ công tác cùng với trung tâm phục vụ hành chính công hỗ trợ người dân, song cũng phải có thời gian để người dân quen với sự thay đổi so với việc đến công sở xã như trước đây.

Áp lực về cơ sở vật chất cũng khiến địa phương này gặp nhiều khó khăn khi bố trí nơi làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Trụ sở UBND xã không đáp ứng đủ phòng làm việc, do đó địa phương đã phải linh hoạt sắp xếp nơi làm việc của các đồng chí Thường trực HĐND xã sang bên trụ sở Đảng ủy xã. Đảng ủy xã phải tận dụng dãy phòng học cũ để bố trí phòng làm việc. UBND xã cũng phải tận dụng thêm hội trường, các phòng “cánh gà” của hội trường để có đủ nơi làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Đáng chú ý, tại xã Cẩm Vân có tới gần 30 cán bộ, công chức, viên chức đi làm xa nhà, khoảng cách xa nhất hơn 20km, do đó xã Cẩm Vân đã phải tận dụng, sửa sang lại các phòng, kho cũ để làm bếp ăn, nơi nghỉ ngơi tạm thời cho những người ở lại qua trưa.

Tại xã Hoằng Sơn, việc sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất được thực hiện một cách linh hoạt, cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Hiện tại, trụ sở Đảng ủy, Ủy ban MTTQ xã Hoằng Sơn được bố trí tại công sở xã Hoằng Cát cũ; Trụ sở UBND xã bố trí tại công sở xã Hoằng Xuyên cũ; Công an xã bố trí tại công sở xã Hoằng Sơn cũ. Trên địa bàn xã có 2 trụ sở hiện đang bỏ trống là trụ sở xã Hoằng Trinh cũ và Hoằng Sơn cũ (từ thời điểm sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 2019-2021).

Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Sơn Lê Xuân Thu cho biết: "Hiện tại, xã Hoằng Sơn có hơn 80 cán bộ, công chức, viên chức; ngoài ra còn các khối lực lượng vũ trang như công an, quân sự. Tận dụng cơ sở vật chất của 3 công sở xã cũ trước đây cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất cho bộ máy mới hoạt động. Song, nơi làm việc của một số phòng, ban tại trụ sở UBND xã còn chật chội, nhất là trung tâm phục vụ hành chính công của xã. Xã đã có kế hoạch ưu tiên cải tạo, sửa chữa, xây dựng trung tâm hội nghị kết hợp phòng họp trực tuyến, phòng tiếp dân, trung tâm phục vụ hành chính công, tạo thuận lợi cho công việc và phục vụ Nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, việc vận hành các trụ sở cùng một lúc cũng dẫn đến nhiều sự lãng phí, nhất là các chi phí hành chính".

Cần thêm lộ trình

Theo Nghị quyết số 1686/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Thanh Hóa có 166 đơn vị hành chính cấp xã. Trung bình 3 - 4 xã sáp nhập thành một xã mới với quy mô diện tích, dân số lớn hơn. Trong số 166 xã, phường mới, có 27 xã, phường tại vị trí trung tâm được tận dụng lại cơ sở vật chất của các huyện, thị xã, thành phố trước đây nên có nhiều thuận tiện hơn trong quá trình vận hành hoạt động. Nhiều xã, phường khác trong tỉnh tận dụng lại các công sở cũ để làm nơi làm việc, song lại rơi vào tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”. Thừa về số lượng do dôi dư sau sắp xếp, nhưng lại thiếu về công năng, diện tích sử dụng để đáp ứng yêu cầu mới với quy mô bộ máy lớn hơn.

Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Vân Bùi Thanh Minh cho rằng: “Việc bố trí trụ sở làm việc như hiện tại chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, khi có điều kiện, tôi cho rằng cần đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, sắp xếp bộ máy tập trung về một đầu mối, trừ những đơn vị đặc thù như trường học, trạm y tế. Khảo sát, quy hoạch, đầu tư các tuyến giao thông kết nối liên vùng theo đơn vị hành chính mới để tạo thuận tiện cho cán bộ, Nhân dân giao thương”.

Thực tế, với định hướng lâu dài việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, thống nhất về một đầu mối là cần thiết, nhưng lại đặt ra gánh nặng tài chính cho các địa phương. Trong khi đó có không ít công sở sau sáp nhập còn dôi dư nhưng việc xử lý tài sản công dôi dư thực tế hiện nay còn nhiều vướng mắc, phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn.

Từ tháng 6/2025, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai sắp xếp, xử lý trụ sở, cơ sở vật chất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, UBND tỉnh đã có công văn gửi các sở, ngành, địa phương chỉ đạo về vấn đề này. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện sắp xếp, điều hòa các cơ sở nhà, đất trong nội bộ để đảm bảo trụ sở làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong quá trình thực hiện tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; hoàn thành trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Rà soát, đánh giá các công trình trụ sở hiện hữu thuộc phạm vi quản lý để sắp xếp lại, bố trí, sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, đảm bảo hiệu quả. Đồng thời có phương án, kế hoạch quản lý, xử lý sắp xếp ngay các trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật có liên quan, không để thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Vai trò chủ động của địa phương trong đánh giá, đề xuất phương án sử dụng lại hoặc xử lý trụ sở dôi dư là yếu tố quan trọng. Song, để thực hiện đồng bộ và hiệu quả vấn đề này cần sớm ban hành quy định pháp lý thống nhất, phù hợp thực tiễn để chính quyền địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện, phân loại, chuyển đổi, đấu giá, xử lý hiệu quả các tài sản công dôi dư trước đây và tài sản công dôi dư sau sáp nhập trong giai đoạn hiện nay.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/sap-xep-co-so-vat-chat-sau-sap-nhap-xa-con-nhieu-viec-phai-lam-254735.htm