Sắp đến hạn bắt buộc, nhiều người vẫn không thể đăng ký xác thực khuôn mặt

Từ 1/7, xác thực sinh trắc học sẽ là yêu cầu bắt buộc khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng nhưng hiện nhiều người vẫn không thể đăng ký được ứng dụng này.

Từ nhiều ngày nay, các ngân hàng đã có hướng dẫn cụ thể, yêu cầu khách đăng ký sinh trắc học trước thời hạn bắt buộc. Nhưng đến nay, rất nhiều người vẫn than phiền việc thực hiện quá khó khăn.

Chị Hoàng Yến, (36 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị làm theo các bước được ngân hàng hướng dẫn tuy nhiên đến bước quan trọng là quét căn cước công dân thì không thể thực hiện được. Chị loay hoay cả tiếng đồng hồ và làm đi làm lại nhiều lần vẫn không thành công.

Cứ đến bước này là bị tắc, dù có lúc ứng dụng nhận thông tin, máy điện thoại đã rung nhẹ lên nhưng cuối cùng vẫn không thể hoàn tất quá trình quét. Tôi cũng nhờ nhiều người làm thử và bây giờ không biết phải làm sao mới được”, chị nói.

Nhiều người không thể đăng ký xác thực khuôn mặt cho giao dịch chuyển tiền online. (Ảnh: Minh Đức)

Nhiều người không thể đăng ký xác thực khuôn mặt cho giao dịch chuyển tiền online. (Ảnh: Minh Đức)

Anh Minh Thành, 34 tuổi (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết: “Tôi đã làm qua bước chụp xong khuôn mặt, đến cuối bước chụp mặt trước và mặt sau căn cước công dân thì ứng dụng quay tròn, không thể chuyển sang bước khác. Tôi tắt ứng dụng, làm đi làm lại vài lần ở những thời điểm khác nhau mà vẫn không được".

Những bước đăng ký xác thực khuôn mặt thực sự trở thành bài toán khó đối với nhiều người, đặc biệt là những ai không thành thạo về công nghệ. Ngay cả có sự giúp đỡ, họ cũng phải chật vật mãi mới thực hiện xong.

Nhiều người cho biết, khó khăn nhất là bước quét căn cước công dân gắn chíp. Ở một số mẫu điện thoại, việc thực hiện bước này rất khó khăn khiến ai cũng băn khoăn không hiểu là do căn cước công dân hay do điện thoại. Một số mẫu điện thoại vì không có chip NFC nên cũng không thể thực hiện quét căn cước công dân.

Một giao dịch viên của ngân hàng thừa nhận, việc xác thực thông tin bằng sinh trắc học phải trải qua nhiều bước, trong đó bước dùng app quét thông tin trên chip của căn cước công dân thường xuyên bị khách hàng phản ánh là gặp sự cố, khiến họ không thể thực hiện các bước tiếp theo.

“Việc sử dụng sinh trắc học phụ thuộc vào app và công nghệ. Chính vì vậy, nếu app chưa nhận thông tin thì khách hàng cũng chưa thể sử dụng”, nhân viên này nói.

Quét căn cước công dân là bước gặp nhiều trục trặc nhất khi xác thực sinh trắc học. (Ảnh: Minh Đức)

Quét căn cước công dân là bước gặp nhiều trục trặc nhất khi xác thực sinh trắc học. (Ảnh: Minh Đức)

Trước đó, bà Nguyễn Tuyết Nhung, đại diện Công ty Kalapa, đơn vị chuyên về giải pháp sinh trắc học cho biết, trên thực tế, khi thực hiện các bước eKYC (định danh điện tử) để xác thực sinh trắc học, vẫn còn tình trạng người dân chưa cảm thấy hài lòng. Điển hình như việc xác thực yêu cầu người dân phải có điện thoại có khả năng đọc chip NFC được tích hợp trên căn cước công dân và phải biết cách đặt căn cước công dân vào điện thoại để đọc chip. Những yêu cầu này khá xa lạ với phần lớn người dùng.

Theo bà Nhung, chính vì những thứ mới mẻ trên mà đòi hỏi các phần mềm tích hợp dịch vụ xác thực phải có khả năng hoạt động ưu việt, tốc độ xử lý cao, các bước hướng dẫn ngắn gọn. Các phần mềm phải dễ dàng sử dụng, ngay cả những người lớn tuổi cũng có thể sử dụng được.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking.

Cụ thể, giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng mỗi ngày, thanh toán hóa đơn trên 100 triệu đồng phải được xác thực bằng khuôn mặt với mẫu đã khớp với cơ sở dữ liệu tập trung về dân cư.

Các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải bổ sung phương thức xác thực bằng khuôn mặt.

Các giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch không quá 20 triệu đồng/ngày thì xác thực bằng mã Smart/SMS OTP như thông thường, không cần xác thực bằng khuôn mặt.

Từ ngày 1/7, khi cài thông tin người dùng sang thiết bị khác cũng phải xác thực sinh trắc học lại.

NHNN lý giải, mục đích của quy định này là để phòng ngừa việc thuê, mượn tài khoản. Hay nói cách khác, những tài khoản không chính chủ được mở bằng những giấy tờ giả trước đây sẽ được loại bỏ dần.

Giải thích lý do chọn hạn mức giao dịch phải xác thực sinh trắc học là 10 triệu đồng, NHNN cho biết qua rà soát giao dịch của người dùng có tới 70% tổng lượng giao dịch là dưới 1 triệu đồng, giao dịch trên 10 triệu đồng/lần chiếm không nhiều.

NHNN vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác thực sinh trắc học cho người chưa có CCCD gắn chip, người dùng điện thoại không có chip NFC.

Theo đó, đối với khách hàng chưa có CCCD gắn chíp (khách hàng chỉ có Chứng minh nhân dân hoặc CCCD không gắn chíp còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật), biện pháp xác thực sinh trắc học được thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra được thực hiện bằng phương thức gặp mặt trực tiếp tại quầy giao dịch.

Đối với khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học sẽ thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra.

Công Hiếu

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sap-den-han-bat-buoc-nhieu-nguoi-van-khong-the-dang-ky-xac-thuc-khuon-mat-ar879525.html