Sao lại chọn giáo viên để giảm biên chế?

Chủ trương sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập để từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của chúng là một chủ trương đúng đắn. Nghị quyết 19-NQ/TW cụ thể hóa chủ trương này được hoan nghênh như một bước đi tích cực nhằm giải quyết tình trạng biên chế của bộ máy hành chính ngày càng phình to, gây áp lực lên ngân sách nhà nước.

Lớp học thời báo cấp. Ảnh: Tư liệu

Đáng tiếc một số địa phương lại hiểu sai tinh thần của nghị quyết này khi thẳng tay cắt giảm hợp đồng của hàng loạt giáo viên, gây ra tâm lý bất ổn trong hệ thống giáo dục. Các địa phương này lấy một số mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 19 như “Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước” để biện minh cho quyết định sa thải giáo viên.

Trong khi thực ra Nghị quyết 19 xác định mục tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp là gắn liền với “giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập”. Chúng ta đâu có chủ trương giảm số lượng trường học các cấp, tại sao lại nói sa thải giáo viên là để thực hiện Nghị quyết 19? Trong loạt bài sau khi nghị quyết này ra đời nhiều chuyên gia đã xác định các đơn vị sự nghiệp công lập có thể chuyển thành doanh nghiệp, hoạt động như doanh nghiệp để thoát khỏi cảnh núp dưới “bóng râm” của ngân sách nhà nước trong đó hoàn toàn không ai đề cập đến trường học.

Tình trạng sa thải giáo viên như thế được nêu ra tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải khẳng định Nghị quyết 19 không yêu cầu cắt giảm biên chế giáo viên một cách máy móc, cơ học. Theo trang tin của Chính phủ, ông Đam giải thích giảm 10% biên chế có nghĩa những đơn vị sự nghiệp trong ngành giáo dục tự chủ về lương thì sẽ không tính biên chế theo nghĩa truyền thống; giảm biên chế tập trung vào các vị trí gián tiếp chứ không phải giáo viên...

Thật ra với các địa phương, gánh nặng ngân sách chi thường xuyên, kể cả chi lương cho một số lượng giáo viên tương đối lớn so với bộ máy hành chính nói chung là một áp lực đáng kể. Vì thế ý muốn cắt giảm số lượng giáo viên để giảm chi thường xuyên là có thật. Giảm biên chế đối với giáo viên là dễ triển khai nhất, so với nhân sự trong bộ máy hành chính với biết bao mối quan hệ, lợi ích chằng chịt. Bên cạnh đó, một số trường một số địa phương vì nhiều lý do, không loại trừ lý do tiêu cực, đã tuyển dụng giáo viên nhiều hơn nhu cầu, để bây giờ gặp khó khăn trong việc sắp xếp lại nguồn nhân lực.

Để chấm dứt tình trạng sa thải giáo viên hàng loạt, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc; xác định rõ các tiêu chí cần có ở trường học như tiến tới mục tiêu học sinh được học 2 buổi/ngày, sĩ số học sinh trong lớp ở mức tối ưu là bao nhiêu, chuẩn hóa giáo viên các môn như thế nào... Đây là cơ sở để các địa phương tính toán nhu cầu giáo viên trong những năm tới và có kế hoạch phù hợp.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277089/sao-lai-chon-giao-vien-de-giam-bien-che-.html