Sáng 26/5: Giá vàng thế giới điều chỉnh nhẹ sau tuần tăng vững chắc
Sáng nay (26/5), giá vàng giao ngay giảm 11,210 USD xuống 3.346,915 USD/oz; vàng tương lai giao dịch ở mức 3.375,67 USD/oz, giảm 18,83 USD so với đầu phiên.

Giá vàng thế giới tuần qua ghi nhận mức tăng vững chắc nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về độ tin cậy của đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ.
Giá vàng đã bứt phá sau khi Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Mỹ. Động lực tăng giá của kim loại quý tiếp tục được duy trì sau phiên đấu giá trái phiếu kho bạc kỳ hạn 20 năm gây thất vọng từ Bộ Tài chính Mỹ, khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng lên trên 5%. Trong khi đó, chỉ số đồng USD rơi xuống vùng hỗ trợ 99 điểm - mức thấp nhất trong ba tuần.
Chris Weston, Trưởng phòng Nghiên cứu tại Pepperstone, cho rằng: “Trong một thế giới ngày càng lo ngại về thâm hụt ngân sách, chi phí lãi vay, khối lượng trái phiếu phát hành và áp lực lạm phát, thì phí bảo hiểm kỳ hạn cao và đường cong lợi suất dốc hơn là yếu tố tiêu cực với đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng lại là động lực cho vàng”.
Ông Weston cho biết thêm, trọng tâm thị trường tuần này sẽ là nhu cầu trong các phiên đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2, 5 và 7 năm cùng các chỉ báo kinh tế quan trọng như lạm phát PCE lõi và biên bản cuộc họp của FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Không chỉ thị trường trái phiếu Mỹ, thị trường trái phiếu Nhật Bản cũng gây chú ý khi có phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 20 năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm lên trên 3,2%. Điều này có thể tác động tiêu cực đến hoạt động giao dịch chênh lệch tỷ giá đồng yên, từ đó ảnh hưởng đến thanh khoản toàn cầu, qua đó tiếp tục củng cố vị thế của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trên toàn cầu.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng đà tăng của vàng có thể gặp thách thức nếu lợi suất trái phiếu kho bạc không tiếp tục tăng.
“Giá vàng có thể mất đà tăng nếu lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm ổn định quanh mức 5%. Thị trường cũng sẽ phản ứng với tín hiệu từ biên bản cuộc họp của FOMC và dữ liệu PCE để điều chỉnh kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed”, Han Tan, Chuyên gia phân tích thị trường trưởng tại FXTM, nhận định.
“Vàng có thể vượt ra khỏi phạm vi 3.000-3.500 USD/oz khi Fed cho thấy đã sẵn sàng trong việc tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất của mình”, chuyên gia này cho hay.
Theo ông Ole Hansen, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank, việc vàng vượt mốc 3.355 USD/oz có thể đánh dấu sự kết thúc của đợt điều chỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tâm lý bi quan quá mức trên thị trường trái phiếu có thể kích hoạt các hoạt động chấp nhận rủi ro.
Một số chuyên gia thị trường trái phiếu cho biết, phiên đấu giá tuần này có thể thu hút nhiều người tham gia hơn vì nhu cầu của nhà đầu tư đối với lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn vẫn khá mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đang theo dõi sát sao các phát biểu mới nhất của Tổng thống Donald Trump, người vừa cảnh báo khả năng tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu lên 50% từ ngày 1/6. Ông Hansen đánh giá: “Đây là lời nhắc nhở rằng cuộc chiến thương mại chưa kết thúc và điều này sẽ có lợi cho giá vàng”.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cũng đang chú ý đến đồng USD vì đồng tiền này tiếp tục mất đà tăng trưởng.
Adam Turnquist, chiến lược gia kỹ thuật trưởng tại LPL Financial, chỉ ra rằng đồng USD vẫn chịu sức ép do lo ngại về chính sách thương mại, thâm hụt tài chính và tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ông cho rằng “việc đồng bạc xanh sụt khỏi vùng hợp nhất kỹ thuật có thể làm dấy lên lo ngại sâu hơn về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ”.
"Đà suy yếu của USD sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng", David Morrison, chuyên gia phân tích tại Trade Nation cho biết. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng trước khả năng giá vàng có thể biến động theo cả hai chiều, do động lực thị trường hiện ở trạng thái trung tính.
Một số chuyên gia cho rằng kỳ nghỉ Lễ Chiến sĩ trận vong tại Mỹ có thể phần nào giúp giảm bớt căng thẳng thị trường, qua đó tạo áp lực chốt lời tạm thời lên vàng.
Các dữ liệu kinh tế đáng chú ý trong tuần này bao gồm: Đơn đặt hàng hàng hóa bền vững tháng 4, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 5 và quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ New Zealand sẽ được công bố vào thứ Ba; biên bản cuộc họp FOMC tháng 5 sẽ được công bố vào thứ Tư; số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, GDP sơ bộ quý 1 và doanh số bán nhà đang chờ xử lý sẽ được công bố vào thứ Năm; chỉ số PCE cốt lõi, thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng sẽ được công bố vào thứ Sáu.