Sản xuất vải thiều sạch để xuất khẩu

Nông dân Hải Dương đang dần thay đổi thói quen, tư duy sản xuất, tuân thủ nghiêm quy trình do cơ quan chuyên môn hướng dẫn, góp phần nâng cao chất lượng quả vải, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức, xã Thanh Quang (Thanh Hà) thường xuyên xuống vùng trồng để nắm bắt thực tế sản xuất, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức, xã Thanh Quang (Thanh Hà) thường xuyên xuống vùng trồng để nắm bắt thực tế sản xuất, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh

Để quả vải thiều xuất ngoại thì cơ quan chuyên môn phải thường xuyên có mặt tại vùng sản xuất để theo dõi, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình chăm sóc, bảo đảm chất lượng quả vải.

Đồng hành cùng nông dân

Xã Thanh Quang (Thanh Hà) là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất tỉnh với hơn 700 ha, chủ yếu là vải sớm. Xã có vùng sản xuất vải VietGAP và GlobalGAP phục vụ xuất khẩu. Đến thời điểm đầu tháng 4, 100% diện tích vải có hoa trên địa bàn xã đã đậu quả non đến phát triển quả. Đây là thời điểm quan trọng để quyết định năng suất và chất lượng quả vải sau này. Do vậy, việc chỉ đạo sản xuất hết sức quan trọng. Để nông dân thực hiện đúng, HTX đã bám sát chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, thành lập nhóm chăm sóc vải trên ứng dụng Zalo để hướng dẫn các hộ trồng vải trên địa bàn xã chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Dạo này công việc của ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức, xã Thanh Quang (Thanh Hà) thêm bận rộn. Hằng ngày, ông thường xuyên đi kiểm tra vải ở tất cả tổ sản xuất do HTX quản lý. Mọi loại sâu bệnh, cách phòng trừ và lịch phun… tất cả đều được ông thông báo qua Zalo của nhóm. “Những hộ nào không thực hiện đúng quy trình, vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi thì sẽ bị chụp ảnh và nhắc nhở trong nhóm. Nhờ thông tin nhanh chóng, chính xác nên hầu hết các hộ đều tuân thủ quy trình sản xuất”, ông Hiển nói.

Để sản xuất vải thiều theo đúng quy trình xuất khẩu thì việc sử dụng đúng và đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật là điều vô cùng quan trọng. Chị Quách Thị Phượng, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 6, chủ đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) cho biết, ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tập huấn kiến thức cho tất cả các hộ trồng vải và chủ đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

"Do vậy, khi hướng dẫn nông dân phun và phòng trừ sâu bệnh, chúng tôi tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục cho phép", chị Phượng khẳng định. Vụ vải năm 2022, tổ sản xuất có 12 ha trồng vải, sản lượng khoảng trên 200 tấn thì khoảng 50 tấn vải đã được xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính.

Toàn tỉnh có khoảng 8.900ha trồng vải, trong đó huyện Thanh Hà có trên 3.200 ha. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 111 ha, chủ yếu tập trung ở huyện Thanh Hà với 10 vùng sản xuất, diện tích hơn 101 ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu thời tiết từ nay đến cuối vụ không có nhiều biến động bất thường, vụ vải năm 2023 sẽ được mùa. Để tăng diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo các địa phương bám sát các vùng sản xuất, điều tra dịch hại và dự báo chính xác các lứa sâu bệnh phát sinh để hướng dẫn nông dân phòng trừ theo đúng quy trình ngay từ đầu vụ. Đồng thời, tăng cường giám sát 199 vùng trồng vải đã được cấp mã số và đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới để phục vụ việc tiêu thụ vải thiều năm 2023.

Ngay từ đầu vụ, tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở vùng trồng vải đều được tập huấn để hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc đúng cách

Ngay từ đầu vụ, tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở vùng trồng vải đều được tập huấn để hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc đúng cách

Tuân thủ nghiêm quy trình

Bà Nguyễn Thị Gái ở thôn 3, xã Thanh Xá (Thanh Hà) có hơn 1 mẫu trồng vải. Toàn bộ vùng trồng đều trong nằm trong vùng đã được cấp mã số. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, ngay từ đầu vụ cán bộ nông nghiệp thường xuyên có mặt tại tổ sản xuất để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chăm sóc vải thiều. “Vụ vải năm 2022, gia đình tôi có gần 5 tấn vải thiều được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản với giá cao hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với thị trường nội địa. Từ thời điểm vải ra hoa đến nay, cán bộ chuyên môn của huyện và tỉnh hướng dẫn nông dân cách chăm sóc vải. Khi có dấu hiệu của sâu bệnh, chúng tôi được hướng dẫn phun thuốc gì để đạt hiệu quả cao nhất. Thực hiện theo đúng quy trình sản xuất, chất lượng quả vải đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao giá trị quả vải”, bà Gái nói.

Công ty CP Ameii Việt Nam hiện có vùng trồng và liên kết vải sản xuất rộng lớn với khoảng 500 ha. Ngoài sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật công ty thì nông dân ở các vùng trồng cũng rất chủ động trong việc tìm hiểu, nâng cao chất lượng các vùng trồng. Dù vậy, vẫn có những trường hợp chưa tuân thủ quy trình.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết khách hàng của công ty thường là ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia và một số nước châu Âu. Năm nay, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác để xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều sang Nhật Bản và một số thị trường các nước khó tính. "Việc tuân thủ quy trình sản xuất của nông dân đã được nâng cao hơn trước, dù vậy vẫn có tỷ lệ nhất định các hộ nông dân không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến hàng hóa không bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Việc phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn thì hàng hóa sẽ bị trả lại. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà con đường xuất khẩu của quả vải thiều sẽ gập ghềnh hơn”, bà Hồng thông tin.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để bảo đảm chất lượng vải xuất khẩu thì cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh thường xuyên giám sát các vùng trồng, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh bảo đảm hiệu quả. Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh các thuốc ngoài danh mục cho phép, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát các vùng trồng để cấp mới hoặc duy trì các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã có. Với các cơ sở chưa đủ điều kiện thì cần nâng cấp và chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ xuất khẩu.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/audio-san-xuat-vai-thieu-sach-de-xuat-khau-231508