Sản xuất và tiêu dùng bền vững mang lại nhiều lợi ích
Tại hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 do Bộ Công thương tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 19/9/2024, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chia sẻ, đây là chương trình tiếp cận theo hướng toàn diện và theo xu hướng thế giới nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liêu.
Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất bền vững; mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Qua đó, góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Thời gian qua, hàng loạt các chương trình, chỉ thị, nghị quyết đã ban hành, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vai trò quan trọng mang tính chiến lược của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thúc đẩy các mô hình chuyển đổi xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững trong phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.
Theo đại diện Bộ Công Thương, kết thúc giai đoạn 1 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định số 76/QĐ-TTg) đã ghi nhận nhiều kết quả chuyển biến tích cực. Song bên cạnh đó, vẫn còn những mục tiêu chưa đạt kết quả đề ra như về cải thiện chính sách và cơ chế để thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững; giảm chất thải trong hoạt động phân phối; tăng tỷ lệ sản phẩm bền vững trên tổng khối lượng sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam thông qua xúc tiến thương mại; cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng về các sản phẩm bền vững; hay giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng (3Rs)…
Vậy nên, ngày 24/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Với các mục tiêu đặt ra như: thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu; khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; tạo việc làm ổn định, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam…
Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, sau khi triển khai, trong giai đoạn 2021-2024 chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: xây dựng hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021 – 2030; hỗ trợ trực tiếp 2 tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình; rà soát, đánh giá và đề xuất chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất bền vững; xây dựng phương pháp phân tích, đánh giá tiêu hao nguyên vật liệu trong ngành công nghiệp; Tổng hợp, cập nhật, đánh giá bộ chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Bộ Công Thương…
Việc quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh đạt được những kết quả như: xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu cho lĩnh vực sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam; xây dựng các mô hình công nghệ tái chế kim loại như: mô hình tận thu đồng sunfat từ phế liệu phíp đồng, mô hình tái chế pin lithium, mô hình tái chế tấm pin năng lượng mặt trời, mô hình tái chế rác thải điện tử....; xây dựng sổ tay công nghệ tốt nhất cho các ngành khai thác như: ngành khai thác khoáng sản kim loại, hóa chất...
Đối với phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững đã xây dựng và áp dụng mô hình thí điểm tiêu dùng bền vững sản phẩm bao bì thân thiện môi trường trong hệ thống chuỗi bán lẻ thực phẩm sạch; hệ thống hậu cần ngược cho các nhãn hàng tại Việt Nam; mô hình chuỗi cung ứng bền vững cho ngành gốm sứ gia dụng; thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái; xây dựng và đề xuất các giải pháp gắn nhãn sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các doanh nghiệp dệt may. Từ đó, năm 2024 đã tổ chức trao chứng nhận cho các hộ sản xuất và kinh doanh gốm xứ về sản xuất và tiêu dùng bền vững…