Sản lượng công nghiệp Việt Nam giảm mạnh bởi đại dịch Covid-19
Theo thống kế của các cơ quan chức năng, quý I/2020 sản lượng công nghiệp của nước ta giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm qua.
Cụ thể 3 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% so với mức 8% cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, theo ước tính chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,9% so với mức 15,6% của cùng thời điểm năm trước.
Điển hình một số ngành hàng có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất chế biến thực phẩm tăng 27,5%; dệt tăng 36,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 47,2%; sản xuất kim loại tăng 48,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 122,5%.
Cũng trong quý I, có một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh như sản xuất máy móc, thiết bị giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; sản xuất đồ uống giảm 9%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ và khai thác mỏ, quặng giảm 8,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 4,2%...
Ngoài ra, theo thống kê, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I/2020 giảm so với cùng kỳ như ô tô giảm 10,4%; xe máy giảm 0,9%; quần áo mặc thường giảm 3,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 3,7%; thép cán giảm 4,3%; sắt, thép thô giảm 4,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,9%; dầu thô khai thác giảm 9,3%; bia giảm 18,9%.
Mặt hàng xăng dầu là số ít có sự tăng trưởng trong quý I/2020. Ảnh: Dương Lâm
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm tăng cao như linh kiện điện thoại tăng 34,7%; xăng, dầu các loại tăng 17,4%; thép thanh, thép góc tăng 17,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,3%; giày, dép da tăng 8,5%; than sạch tăng 7,9%; điện sản xuất tăng 7,1%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế và khai thác quặng kim loại cùng tăng 22,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4%...
Trước tình hình đó, Bộ Công thương cho biết, trong nửa đầu quý II sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước.
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm; phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước.