Sân bay chứa F-35 của Israel đầy hố tên lửa: Công nghệ vũ khí của Iran đã tiến bộ vượt bậc?
Công ty vệ tinh Mỹ Planet Lab công bố ảnh chụp căn cứ không quân Israel chi chít hố tên lửa sau vụ tấn công 1/10 khiến giới nghiên cứu đặt câu hỏi tại sao công nghệ tên lửa của Iran lại thay đổi to lớn như thế chỉ sau 6 tháng.
Ảnh vệ tinh Mỹ tiết lộ sân bay Israel chi chít hố tên lửa Iran
Theo bài viết trên trang web The WarZone của Mỹ ngày 4/10, những hình ảnh vệ tinh mới nhất đã tiết lộ mức độ thiệt hại của căn cứ không quân Nevatim của Israel sau khi bị tên lửa đạn đạo Iran bắn trúng ngày 1/10.
Các chuyên gia phân tích ảnh vệ tinh tìm thấy ít nhất 33 “miệng hố” (tức vết tên lửa rơi xuống nổ) ở căn cứ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các máy bay chiến đấu F-35I của Israel có bị thiệt hại trong cuộc tấn công này hay không, và điều Iran nói họ đã xóa sổ 2 phi đội gồm hơn 20 chiếc F-35 có chính xác không.
Ngày 1/10, Iran đã phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu ở Israel, một số lượng đáng kể đã xuyên thủng thành công hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Israel. Điều này trái ngược hoàn toàn với cuộc tấn công tên lửa của Iran hồi tháng 4 khi chỉ có một số ít tên lửa xuyên thủng thành công hệ thống phòng thủ của Israel.
Iran tuyên bố rằng tên lửa trong cuộc tấn công này nhắm vào các cơ sở quân sự quan trọng của Israel, bao gồm trụ sở Mossad, các cơ sở radar phòng không và hai căn cứ không quân quan trọng: Nevatim và Tel Nof. Cho đến nay, hình ảnh về Căn cứ Không quân Tel Nof vẫn chưa có hình ảnh có độ phân giải cao kể từ sau cuộc tấn công.
The WarZone cho biết Căn cứ Không quân Nevatim là nơi chứa các máy bay chiến đấu F-35I và máy bay hỗ trợ điện tử có giá trị cao của quân đội Israel. Decker Eveleth, nhà phân tích chiến lược tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CAN), một tổ chức nghiên cứu và phân tích phi lợi nhuận của Mỹ, cho biết những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy “ít nhất 33 miệng hố tại Căn cứ Nevatim và có thể còn nhiều hơn nữa” vì "còn nhiều miệng hố bị mây che khuất". Ông Eveleth cho rằng tổng số miệng hố do tên lửa Iran phóng vào căn cứ không quân Nevatim có thể lên tới gần 40.
Điều vẫn chưa rõ ràng là chính xác Iran nhắm tới mục tiêu gì tại căn cứ không quân Nevatim. Ông Eveleth cho biết có một số miệng hố "dày đặc" xung quanh các khu vực như ụ chắn và nhà chứa máy bay chiến đấu, và một nhà chứa máy bay dường như đã bị tên lửa phá hủy. Tuy nhiên, ông Eveleth cho rằng thiệt hại do tên lửa Iran gây ra cho Căn cứ Không quân Nevatim là "không lớn".
Ông nói thêm: “Phần lớn các tên lửa đều trượt mục tiêu hoặc chỉ bắn trúng các đường lăn, hiện nay hầu hết đều đã được sửa chữa. Nhưng tên lửa đã bắn trúng một kho dầu và một số tòa nhà”.
Ông Eveleth cho rằng, dù căn cứ không quân Nevatim gặp may mắn trong cuộc tấn công thì cũng có tin xấu cho Israel. Ông nói rằng Iran đang gia tăng số lượng tên lửa, cải thiện độ chính xác của tên lửa và tăng cường khả năng đối kháng, điều này khiến Israel phải đối mặt với mối đe dọa lớn hơn và cuộc chiến thực tế quy mô lớn như vậy cung cấp cho Iran dữ liệu quan trọng để giúp họ cải thiện hệ thống tấn công tầm xa. Mặt khác, việc căn cứ không quân Nevatim bị số lượng tên lửa lớn như vậy đánh trúng cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Israel ít nhất đã bị Iran đánh bại một phần.
Điều đáng chú ý là người phát ngôn của quân đội Israel (IDF) cũng xác nhận quy mô cuộc tấn công của Iran, với hơn 180 tên lửa được bắn cùng lúc. Hành động quân sự này thể hiện trực quan sức mạnh công nghệ tên lửa ngày càng tăng của Iran.
Nga hỗ trợ công nghệ tên lửa siêu thanh cho Iran?
Điều khiến người ta hiếu kỳ là tại sao tên lửa của Iran lại đạt được bước đột phá công nghệ đáng kinh ngạc như vậy chỉ trong vòng vài tháng? Vào tháng 4 năm nay, Iran từng tấn công Israel. Khi đó, Israel và Mỹ tuyên bố đã đánh chặn thành công 90% tên lửa của Iran. Nhưng đến ngày 1/10, tình hình đã đảo ngược đáng kinh ngạc và Iran đã chủ động tuyên bố rằng tỷ lệ tên lửa đột phá thành công hệ thống phòng thủ của Israel đạt 90%.
Điều này đột nhiên làm đảo lộn sự nhận thức của mọi người về khả năng tên lửa của Iran. Được biết, lần này Iran không chỉ sử dụng số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm trung mà còn lần đầu tiên phóng ít nhất 20 tên lửa siêu thanh.
Dù quân đội Mỹ đã điều hai tàu có hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tới giúp Israel đánh chặn nhưng chính Mỹ cũng không xác nhận liệu tên lửa của họ có bắn trúng mục tiêu hay không. Điều này cho thấy công nghệ tên lửa của Iran đã đạt đến một tầm cao mới.
Theo các nguồn tin, những tên lửa này không nhằm vào khu vực dân sự mà tấn công chính xác vào các căn cứ quân sự và tình báo của Israel. Chỉ có một khả năng để đạt được độ chính xác này, đó là Iran đã làm chủ được khả năng điều chỉnh được giai đoạn cuối của tên lửa siêu thanh.
Điều này khiến người ta phải nghi ngờ liệu Iran có sự hỗ trợ kỹ thuật của một nước lớn đứng đằng sau hay không? Theo một số tin tình báo, Nga đã bí mật giúp Iran cải tiến công nghệ tên lửa.
Có thông tin cho rằng Nga đã cung cấp cho Iran các thiết bị tiên tiến như công nghệ tên lửa đạn đạo Iskander M và hệ thống tên lửa phòng không S-300. Tại sao Nga lại chọn hành động vào thời điểm này? Câu trả lời có thể liên quan đến bố cục chiến lược quốc tế của nước này.
Vì sao ông Biden đột nhiên thay đổi thái độ với Israel?
Đối với Nga, sự bất ổn ở Trung Đông có thể kiềm chế sức mạnh của Mỹ một cách hiệu quả, buộc quân đội Mỹ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn ở Trung Đông, giảm thiểu sự chú ý đến vấn đề Ukraine. Điều này còn có thể làm suy yếu hơn nữa ảnh hưởng quốc tế của Mỹ và giảm bớt áp lực mà Nga phải đối mặt.
Vì vậy, trước tình hình xung đột ngày càng gia tăng, thái độ của Mỹ đã đảo ngược 180 độ. Trong cuộc xung đột Israel-Palestine trước đây, Mỹ sẵn sàng cho Israel những gì họ muốn.
Ngày nay, thái độ của ông Biden đã đảo ngược 180 độ. Không những thỉnh thoảng đình chỉ hỗ trợ vũ khí cho Israel, buộc ông Netanyahu phải dừng tay, còn công khai tuyên bố Mỹ ủng hộ Israel thực hiện các cuộc phản công thích hợp chống lại Iran, nhưng vạch ra ranh giới rõ ràng, không cho phép Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Nói một cách thẳng thắn, sự thay đổi thái độ của Biden có nghĩa là ông muốn bảo vệ lợi ích của đồng minh, nhưng cũng không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra ở Trung Đông, bởi vì nếu xảy ra, Mỹ sẽ bị buộc phải tham dự, do đó ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của họ.
Ngoài ra, hiện nay là thời điểm quan trọng của cuộc bầu cử, và việc Mỹ tham gia vào cuộc chiến không có lợi cho việc bà Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Việc Netanyahu kéo dài chiến tranh và không muốn đàm phán hòa bình, có thể là để ông Trump quay trở lại Nhà Trắng.
Thủ tướng Israel Netanyahu có mối quan hệ tốt với toàn bộ gia đình Trump và họ có dường như cùng chí hướng. Vì vậy, trong quá trình Biden thuyết phục Israel ngừng bắn với Palestine, hai bên thường xuyên tranh cãi lớn tiếng, thậm chí có thời điểm Mỹ ngừng viện trợ quân sự. Nhưng mối quan hệ dây dưa giữa người Do Thái và Mỹ khiến Mỹ cuối cùng vẫn ủng hộ Israel. Đây không còn là điều mà ông Biden có thể quyết định.
Đối với Israel, việc trả đũa Iran dường như đang được thực hiện nhưng họ cũng đang phải đối mặt với Hamas, Hezbollah, Syria và Houthi. Họ sẽ bị tấn công từ mọi phía, chưa kể Iran vừa đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về việc "đối mặt với sự hủy diệt". Vì vậy ông Netanyahu hẳn sẽ suy nghĩ kỹ trước khi hành động.