Sách và giá trị của tuổi trẻ

Giám đốc Sở TT-TT Trần Thanh Hưng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng và nhà thơ Phan Hoàng tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: THIÊN LÝ

Có rất nhiều điều để đọc và học từ sách, bởi phần lớn tri thức nhân loại đều nằm trong sách. Chúng không những nâng cao kiến thức mà còn tạo động lực thúc đẩy ta hành động tốt hơn.

Trong khuôn khổ Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ IV năm 2021, các khách mời của chương trình giao lưu: Nhà văn, nhà báo Trịnh Thị Phương Trà (bút danh Phương Trà, phóng viên Báo Phú Yên); chị Võ Thị Sương ở phường 9, TP Tuy Hòa nổi tiếng với câu chuyện hiến tạng cho y học đầy xúc động và anh Nguyễn Bá Nha, chủ Thư viện cộng đồng Nắng Mai (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) cùng người dẫn chương trình, nhà văn, nhà báo Phương Huyền đã chia sẻ nhiều điều thú vị về niềm đam mê đọc sách.

Các khách mời cũng bày tỏ trăn trở về việc làm thế nào để khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc, làm thế nào để giới trẻ nhận thức một cách đầy đủ giá trị của sách trong đời sống...

Đam mê đọc sách từ những điều nhỏ bé

Nhà văn, nhà báo Phương Trà kể lại, năm 7 tuổi, sau khi rời quê (Tuy An) vào thị xã (Tuy Hòa) học, chị có được tập sách đầu tiên, đó là Góc sân và khoảng trời của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. Đây là một tập thơ nhỏ, chỉ lớn hơn bàn tay một xíu nhưng có rất là nhiều bài thơ hay. Phương Trà đọc và thuộc hầu hết tất cả bài thơ trong tập sách này.

Hơn 40 năm sau, chị vẫn thuộc, vẫn thích, trong đó có bài Mưa: Sắp mưa/ Sắp mưa/ Những con mối/ Bay ra/ Mối trẻ/ Bay cao/ Mối già/ Bay thấp/ Gà con/ Rối rít tìm nơi/ Ẩn nấp/ Ông trời/ Mặc áo giáp đen/ Ra trận/ Muôn nghìn cây mía/ Múa gươm/ Kiến/ Hành quân/ Đầy đường/ Lá khô/ Gió cuốn/ Bụi bay/ Cuồn cuộn...

Anh Nguyễn Bá Nha trải lòng: “Tuổi thơ của tôi đã được đọc truyện Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, trong đó truyện tôi yêu thích nhất là Bắt đền hoa sứ.

Theo thời gian và hành trình mưu sinh của bản thân, cuốn sách khiến tôi thay đổi suy nghĩ và không ngừng nỗ lực theo đuổi con đường học tập là tự truyện Tôi đi học của thầy Nguyễn Ngọc Ký. Không giống hoàn cảnh của thầy Nguyễn Ngọc Ký nhưng tôi thấy được bản thân mình trong cuốn sách ấy, tuổi thơ sống trong nghèo khó, phải chia tay tuổi học trò từ rất sớm, rồi từ Bình Định vào Phú Yên làm công nhân xây dựng cầu đường và may mắn kết duyên với một người con gái đất Phú.

Sau khi vợ chồng có hai đứa con, tôi bắt đầu trở lại con đường tìm chữ. Đi học cấp 3 khi tuổi đã lớn, tôi phải nỗ lực gấp nhiều lần so với mọi người. Sau khi tốt nghiệp, tôi được gia đình ủng hộ, vun vén tiếp tục tạo điều kiện để đi học đại học”.

Còn chị Võ Thị Sương không khỏi bùi ngùi, xúc động khi kể lại câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” của chị và con trai Nguyễn Võ Anh Tuấn. Tuấn có một quyết định hết sức nhân văn: hiến mô, tạng cho y học để giúp hồi sinh những cuộc đời mới. Quyết định ấy đã thuyết phục được người mẹ như chị cùng con trai thực hiện việc làm cao đẹp cho đời.

“Qua tivi và những tờ báo mà tôi góp nhặt mua được, Tuấn biết đến tấm gương nghị lực sống của Nick Vujicic, những người tàn nhưng không phế, những em bé bị ung thư, đặc biệt là nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An (7 tuổi), quyết định hiến giác mạc. Từ đó, Tuấn tìm thấy ý nghĩa cuộc đời. Hành động của con trai đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi và tôi quyết định không những đồng ý để con thực hiện ý nguyện mà mình cũng tự nguyện cùng con hiến tặng mô, tạng cho y học”, chị Sương run run kể lại.

Bằng những gì đọc được và học được, chị Sương tiếp tục truyền ngọn lửa tích cực cho con gái của mình. Thấu cảm được tấm lòng của mẹ và anh trai, Nguyễn Võ Tuấn Tú luôn cố gắng học thật giỏi. Năm lớp 10, Tú thi đậu vào lớp chuyên Văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Năm 2020, Tú đỗ thủ khoa khối khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Phú Yên, nằm trong top 25 của quốc gia và được tuyển thẳng vào 3 trường đại học luật. Tú đang là sinh viên xuất sắc của Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

Số người đọc sách còn khiêm tốn

Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, trung bình một người dân Việt Nam đọc 4 cuốn sách mỗi năm, trong đó có 2,8 là sách giáo khoa, 1,2 còn lại là sách khác. Nếu so với con số trung bình 20 cuốn sách mỗi năm như các nước: Israel, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản hay con số 14 cuốn sách mỗi năm của Singapore, Malaysia, Thái Lan thì số sách người Việt đọc thật sự rất khiêm tốn.

Chị Phương Trà cho rằng: “Với sự phát triển của đời sống, các bạn trẻ bây giờ có nhiều mối quan tâm, loại hình giải trí thu hút, hấp dẫn hơn, đặc biệt là mạng xã hội. Mặc dù mạng xã hội đem lại cho con người nhiều điều thú vị nhưng nếu không biết tự kiểm soát thì nó sẽ lấy đi rất nhiều thời gian quý báu của con người. Thay vào đó, chúng ta hãy dành thời gian để đọc sách, “trò chuyện” với sách nhiều hơn. Bởi sách được ví như một người bạn thân luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chia sẻ và luôn luôn an ủi chúng ta ở mọi lúc mọi nơi”.

Không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng có một sự thật là những người thành công thường đọc rất nhiều sách. Điểm chung của những người này là họ tự giáo dục bản thân thông qua việc đọc sách. Những doanh nhân vĩ đại trên thế giới hiện nay như Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffet… đều là những người đọc sách rất chuyên cần.

Warren Bufet từng trả lời trong một bài phỏng vấn rằng, ông dành 80% thời gian trong ngày để đọc sách và tiếp thu kiến thức mới. Không chỉ riêng ông, tất cả những người xuất chúng, lãnh tụ vĩ đại trong lịch sử của thế giới đều có điểm chung là họ luôn vui vẻ, say mê đọc sách sau những giờ lao động mệt nhọc.

Đến đây, tôi nhớ nữ nhà văn nổi tiếng Long Ứng Đài từng viết cho con mình một lá thư dài về sách khi người con trai 21 tuổi của bà cảm thấy áp lực bởi cha mẹ đều là những người nổi tiếng, thành đạt. Con trai của bà đã nói: “Mẹ phải chấp nhận rằng con chỉ là một người bình thường, không có thành tựu gì nổi bật trong cuộc đời”.

Trước những lời bộc bạch của con trai mình, bà viết: “Điều quan trọng nhất với mẹ không phải là con có thành tựu hay không, mà là con có hạnh phúc hay không, trong cuộc sống hiện đại bây giờ, loại công việc nào có thể ít nhiều đem lại cho con niềm hạnh phúc?

Thứ nhất, nó cho con ý nghĩa, công việc đó không điều khiển con, không giam cầm con như tù binh. Thứ hai, nó cho con thời gian, nó cho con trải nghiệm đầy đủ trong cuộc sống...”. Cuối thư, bà viết: “Mẹ yêu cầu con chăm chỉ đọc sách, không phải vì mẹ muốn con có thành tựu hơn người khác, mà là bởi mẹ muốn con có nhiều hơn nữa quyền lựa chọn cho tương lai, lựa chọn ý nghĩa, có thời gian làm việc, chứ không phải là bị ép mưu sinh”.

Ngẫm cho cùng, những gì bà Long Ứng Đài viết cũng nói lên điều mà con người cần nhất trong đời là quyền lựa chọn một cuộc sống được làm những điều có ý nghĩa. Và sách là một công cụ giúp ta đạt được điều đó. Sách giúp con người mở ra một thế giới, những con người và cả một phiên bản tốt đẹp hơn của chính ta.

Chia sẻ với các bạn trẻ tại hội sách, nhà thơ Phan Hoàng, một người con của Phú Yên, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh nói: “Trong cuộc đời mỗi người, ít nhiều phải viết cho bản thân mình một cuốn sách. Cuốn sách này không phải là điều gì to lớn mà trước hết là viết cho chính mình, cho gia đình, bạn bè và cho dòng tộc của mình. Tất cả những gì xung quanh chúng ta từ ngôi trường, con đường đến trường, tình cảm ông bà, cha mẹ, anh em... đều là đề tài. Để viết không khó, khó nhất là đủ đam mê để viết hay không”.

Chúng ta hãy dành thời gian để đọc sách, “trò chuyện” với sách nhiều hơn. Bởi sách được ví như một người bạn thân luôn luôn lắng nghe, luôn luôn chia sẻ và luôn luôn an ủi chúng ta ở mọi lúc mọi nơi.

Nhà văn, nhà báo Trịnh Thị Phương Trà

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/254981/sach-va-gia-tri-cua-tuoi-tre.html