Sách nói về hành trình thay đổi Nhật Bản của Sứ đoàn Iwakura

'Sứ đoàn Iwakura' - tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây.

Cuốn sách Sứ đoàn Iwakura nói về hành trình công du của người Nhật để tìm ra đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới.

Sứ đoàn Iwakura lấy bối cảnh là cuộc cải cách Minh Trị đã tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868, Nhật Bản xóa bỏ chế độ Mạc Phủ, những bất bình đẳng trong xã hội và thành lập chính quyền trung ương... Bên cạnh đó, người Nhật còn tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh) và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Cuốn sách 'Sứ đoàn Iwakura'.

Người Nhật bắt đầu bằng sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835 – 1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi (Thứ trưởng Bộ Công nghiệp lúc bấy giờ) và những du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch... Chuyến đi được thực hiện chỉ 3 năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Chuyến công du của Sứ đoàn Iwakura được Tiến sĩ Guido Verbeck (người Mỹ gốc Hà Lan) gợi ý dựa trên một chuyến đi tương tự của Đại đế Nga Peter vào thế kỷ XVIII nhằm học hỏi các nước Tây Âu. Hành trình kéo dài gần 2 năm (1871 – 1873), với một phái đoàn hùng hậu, gồm khoảng 100 người. Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này.

Chuyến đi có hai mục tiêu, thứ nhất muốn giới thiệu với phương Tây những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản, kết thân với giới lãnh đạo phương Tây, thương thảo lại các hiệp ước đã ký bất lợi cho họ. Thứ hai, tìm hiểu và đánh giá sự phát triển phương Tây, nhận thức các bài học của họ trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ... để vận dụng những điều quan sát vào tình hình Nhật Bản.

Qua đó, tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây.

Ian Nish là tác giả của cuốn sách 'Sứ đoàn Iwakura'.

Sứ đoàn Iwakura muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Họ cũng muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học.

“Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới", Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình.

Sau khi chuyến công du kết thúc, các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây. Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng.

Một số nhận định về cuốn sách 'Sứ đoàn Iwakura'.

Cuốn sách Sứ đoàn Iwakura ghi lại chuyến công du Iwakura và là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, đặc biệt là trang sử về Sứ mệnh Iwakura, độc giả sẽ nhận thấy cuộc cách mạng không chỉ tác động cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình.

Phước Sáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sach-noi-ve-hanh-trinh-thay-doi-nhat-ban-cua-su-doan-iwakura-2214332.html