Sách nói - động lực chuyển đổi số trong xuất bản

Việc chuyển đổi mô hình hoạt động có thể giúp đơn vị xuất bản chủ động sản xuất từ sách giấy, ebook cho đến sách nói để tạo sự sôi nổi và đa dạng cho thị trường.

Tại các quốc gia có văn hóa đọc phát triển, sách nói đang là mảng kinh doanh tăng trưởng nhanh, tạo nhiều chú ý. Theo công ty nghiên cứu thị trường Omdia, doanh thu sách nói toàn cầu đạt hơn 5 tỷ USD vào cuối năm 2022; hay theo công bố của APA (Hiệp hội những nhà xuất bản sách nói), mảng này đã đạt tăng trưởng 2 con số trong suốt hơn 10 năm qua. Đến năm 2030, ước tính thị trường sách nói thế giới sẽ đạt quy mô trên 30 tỷ USD.

Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, sách nói Việt Nam cũng bắt đầu được ưa chuộng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, khi hành vi của người dùng thay đổi theo hướng số hóa hơn, ưa chuộng các dịch vụ trực tuyến hơn. Tuy tốc độ tăng trưởng hiện nay đã chậm lại so với giai đoạn trong dịch, nhưng sự tăng trưởng này vẫn được coi là bền vững trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tất cả các ngành hàng khác đều gặp nhiều trở ngại.

Trong số các đơn vị kinh doanh sách nói, ứng dụng Voiz FM thuộc công ty TNHH Công nghệ WeWe là đơn vị nổi bật. Ra đời và bắt đầu hoạt động thí điểm từ tháng 09/2019. Sau hơn 3 năm hình thành và phát triển, Voiz FM đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ:

• Số lượng người dùng: Hơn 2 triệu người trên cả 2 nền tảng.

• Số lượng nội dung: hơn 3,000 mục, hợp tác với hơn 20 đơn vị trong & ngoài nước.

• Đã đạt điểm hòa vốn và tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, tập trung cho chất lượng sản phẩm và số lượng nội dung, thay vì đốt tiền cho truyền thông.

• Sản phẩm được phát triển tốt về mặt công nghệ, mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng, được người dùng đánh giá cao, thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng liên quan đến sách, trên cả những ứng dụng quốc tế như Audible hay Storytel.

Sách nói đang là mảng kinh doanh tăng trưởng nhanh, tạo nhiều chú ý. Ảnh: Voiz FM.

Voiz FM cũng quyết liệt bảo vệ bản quyền cho các đối tác của mình. Từ tháng 07/2020, đội ngũ Voiz FM đã chủ động tìm và báo cáo những nội dung vi phạm bản quyền, tính đến nay đã hỗ trợ gỡ bỏ hơn 30.000 nội dung, góp phần phổ cập nhận thức về bản quyền sách nói cho cộng đồng những người sản xuất nội dung, giảm số lượng vi phạm trên các nền tảng lớn như Youtube một cách rõ rệt.

Tuy đạt được những kết quả đáng mừng, nhưng để xuất bản chuyển đổi số phát triển hơn nữa, Voiz FM nghĩ đến một câu nói: “Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Thời gian đầu, khi thị trường còn sơ khai, Voiz FM đã xung phong “làm thử” để học hỏi kinh nghiệm. Giờ đây, khi xu thế chuyển đổi số bắt đầu hình thành rõ ràng hơn, Voiz FM đã và đang nghĩ đến việc chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm với các đối tác để phát triển thị trường sâu rộng hơn.

Những chia sẻ từ Voiz FM

Thứ nhất, cần thẳng thắn thừa nhận rằng dù tăng trưởng nhanh và bền vững, sách nói hiện vẫn chỉ chiếm khoảng 4-5% thị phần ngành xuất bản (VD), vì thế đây vẫn nên được xem là một mảng kinh doanh tiềm năng, cần nhiều đầu tư cho tương lai, chứ chưa thể hoàn toàn thay thế các hình thức truyền thống. Hiểu được chính xác quy mô thị trường sẽ giúp các đơn vị có mức kỳ vọng đúng đắn, đặc biệt là khi định giá bản quyền và kỳ vọng doanh thu.

Thứ hai, thị trường nhỏ không có nghĩa là không quan trọng. Vì như đã trình bày ở trên, sách nói không thay thế sách giấy, mà còn là một mảng bổ khuyết và hỗ trợ cho sách giấy trong bối cảnh độc giả ngày nay dành phần lớn thời gian trên không gian mạng, vì thế sách nói ngoài mang tới doanh thu trực tiếp, còn mang tới doanh thu gián tiếp thông qua việc giới thiệu sách tới độc giả trên không gian họ thường lui tới nhất. Theo một khảo sát của Voiz FM, gần 60% khách hàng nghe sách nói trên ứng dụng cũng đã mua một bản sách giấy của những sách nói họ yêu thích.

Ông Lê Hoàng Thạch - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WeWe. Ảnh: Voiz FM.

Thứ ba, thị trường mới rất cần sự mạnh dạn chấp nhận cái mới. Ví dụ như phương thức kinh doanh sách nói, hiện Voiz FM có cả 2 hình thức kinh doanh: truyền thống (mua từng cuốn) và hiện đại (mua theo thuê bao), với hệ thống theo dõi doanh thu theo thời gian thực, rất minh bạch và rõ ràng, nhưng vẫn còn nhiều đơn vị e ngại vì cách báo cáo và tính doanh thu này còn mới quá, dù đây là xu hướng mà độc giả ưa chuộng khi hơn 90% doanh thu của Voiz FM đến từ hình thức này.

Thứ tư, hiện nay khi Voiz FM tiếp xúc với các đơn vị xuất bản ở nước ngoài, vẫn còn nhiều đơn vị chưa muốn cấp bản quyền sách nói cho thị trường Việt Nam vì cảm thấy chúng ta vẫn chưa có thị trường, dù trên thực tế, chúng ta có thị trường sách nói phát triển nhất khu vực Đông Nam Á (theo Google Trend).

Do đó, nên chăng chúng ta có thể bắt đầu nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo như các thị trường phát triển ở nước ngoài, ở đó các đơn vị nắm bản quyền sẽ chủ động sản xuất hoặc sử dụng dịch vụ để sản xuất đầy đủ định dạng, từ sách giấy, ebook cho đến sách nói để tạo sự sôi nổi và đa dạng cho thị trường; còn các nền tảng như Voiz FM sẽ tập trung vào phần phát hành và công nghệ để gia tăng trải nghiệm cho người dùng, cũng như dành nguồn lực để tạo ra những giải pháp công nghệ để góp phần giải quyết nhiều bài toán khó khác của sách nói như tốc độ thẩm định nội dung và chất lượng thu âm.

Cuối cùng, Voiz FM cũng biết rằng việc chuyển đổi số, sản xuất sách nói bước đầu khá khó khăn vì các đơn vị chưa thể sắp xuất nhân lực chuyên trách. Vì thế, nếu các đơn vị xuất bản - phát hành có ý định và kế hoạch chuyển đổi, Voiz FM sẽ hỗ trợ. Trên thực tế, Voiz FM đã bắt đầu hợp tác theo với công ty sách Phương Nam và NXB Thông tin và Truyền thông, đã thu được nhiều bài học giá trị và một số kết quả đáng khích lệ ban đầu. Voiz FM tin chắc rằng khi cả thị trường chung tay, thị trường Sách nói sẽ còn phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong trương lai.

Lê Hoàng Thạch

Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-noi-dong-luc-chuyen-doi-so-trong-xuat-ban-post1446332.html