Chuyện cảm động về quân tình nguyện tại Lào

Cách đây 70 năm, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam (QTN&CGVN) đã không quản ngại khó khăn gian khổ, chấp nhận mọi hy sinh, sát cánh cùng các lực lượng của cách mạng Lào, lập nên nhiều chiến công. 70 năm qua, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tình hữu nghị, đoàn kết trong sáng giữa hai nước Việt-Lào vẫn sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vourachith và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh chung với các đại biểu và đại diện quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vourachith và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh chung với các đại biểu và đại diện quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Thành công từ khó khăn, gian khổ chung

Tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống QTN&CGVN tại Lào có đông đảo các cựu quân tình nguyện và chuyên gia đã có nhiều năm sống và chiến đấu cùng với các bạn Lào.

Trong trái tim của họ luôn khắc sâu những hình ảnh đẹp đẽ và kỷ niệm sâu sắc về những ngày chiến đấu gian khổ, cùng chung một chiến hào, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, tạo nên những kỳ tích anh hùng, xây đắp hệ thống Đường Hồ Chí Minh lịch sử, một yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi lịch sử của 3 dân tộc Lào, Campuchia, Việt Nam.

Những cán bộ, chiến sĩ của Lào cũng vậy. Đại tướng Chamsamon Chanyalath, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) nước Cộng hòa DCND Lào xúc động: “Nhìn lại những ngày tháng gian khổ đấu tranh vì độc lập dân tộc của quân đội và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung và các cựu chiến sĩ cách mạng Quân đội Bác Hồ nói riêng, đã cùng với quân đội và nhân dân Lào cống hiến, hy sinh to lớn cả tính mạng, xương máu và tuổi thanh xuân để thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào hàng chục năm.

Có người coi nước Lào là quê hương thứ hai của mình, có người đã dành cuộc sống của mình vào hoạt động đấu tranh, làm chuyên gia các ngành, các lĩnh vực của Lào nhiều hơn thời gian ở với con cái, gia đình, bố mẹ.

Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Lào cảm động và nhận thức sâu sắc rằng: Trên mảnh đất mến yêu của mình từ Bắc đến Nam đều có những giọt máu, giọt mồ hôi của các chiến sĩ cách mạng hai nước đã hòa quyện vào nhau để đổi lấy nền độc lập cho đất nước Lào.

Không có ai đếm được chính xác có bao nhiêu đường ngõ, ngách núi, sông của mảnh đất Lào mà chiến sĩ cách mạng hai nước đã bước qua và đấu tranh chung một kẻ thù… Chúng tôi khẳng định sẽ mãi mãi cùng với nhân dân Việt Nam bảo vệ, giữ gìn tình đoàn kết đặc biệt, chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Tình đoàn kết này trở thành truyền thống quý báu của nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, không kẻ thù nào phá được.”

Chiến thắng nào cũng có hy sinh

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Phó Chủ tịch Hội truyền thống QTN&CGVN tại Lào, trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược tại Lào, không có địa bàn nào diễn ra ác liệt, lâu dài như chiến trường Trung Lào, nơi lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 là đơn vị liên minh chiến đấu với LLVT Lào, nhất là ở những thời điểm quyết định, có sự tăng cường mạnh mẽ của cả đơn vị chủ lực Việt Nam tại khu vực Đường 9-Nam Lào và khu vực Xiengkhoang-Huaphanh. Những thắng lợi ở hai chiến trường này có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Lào, đồng thời tác động mạnh mẽ đến cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định, 39 năm thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Lào, QTN&CGVN đã cùng với LLVT nhân dân các dân tộc Lào lập nên nhiều chiến công hiển hách, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội và nhân dân hai nước, như lời khen ngợi mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào dành cho: “Trên đất nước Lào, không có nơi nào mà không có dấu chân của quân tình nguyện (QTN) Việt Nam, không có chiến thắng nào mà không có sự hy sinh đóng góp của QTN Việt Nam”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vourachith trò chuyện với các cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Trong buổi họp báo giới thiệu về chương trình kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống QTN&CGVN tại Lào, Trung tướng Nguyễn Tiến Long - Phó Chủ tịch Hội Truyền thống QTN&CGVN tại Lào đã kể một câu chuyện xúc động về người lính tình nguyện Việt Nam. Đầu năm 1948, đoàn cán bộ cấp cao của cách mạng Lào đi từ Thái Lan sang Việt Nam gặp Bác Hồ.

Ngoài các cán bộ chủ chốt của cách mạng Lào, đoàn còn có 4 đảng viên của Đảng cộng sản Miến Điện. Tại Thái Lan, khi vượt sông Mê Công, đoàn không may gặp địch. Đoàn chỉ có một số đồng chí dẫn đường, bảo vệ. Trong cuộc chiến đấu ác liệt đó, đồng chí đội trưởng đội bảo vệ của đoàn bị thương nặng, gãy xương đùi. Hành trình về Việt Nam còn nhiều nguy hiểm, phải vượt qua núi cao, vực sâu nên đường đi của đoàn rất khó khăn.

Đêm hôm đó, khi đoàn dừng chân để nghỉ, người đội trưởng đội bảo vệ bị thương gãy xương đùi đã nói với đoàn: “Tôi bị thương nặng, không thể đi được. Nếu khiêng cáng thì không có người khiêng, mà kẻ địch lại đang rình rập phía trước. Như vậy sẽ nguy hiểm tính mạng cho cả đoàn”. Sau khi phân tích tình hình, người đội trưởng ngắn gọn đề nghị: “Tôi đề nghị được hi sinh”. Khi không ai chấp nhận lời đề nghị này, trong đêm, khi mọi người đang ngủ, người lính ấy đã tự thực hiện đúng đề nghị của mình.

Theo lịch sử ghi lại, đồng chí đội trưởng đội bảo vệ ấy tên Phú, quê Hương Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông là người Việt Nam, sống ở bên Lào, tham gia đội quân tình nguyện và đường dây liên lạc quốc tế Thái Lan - Lào - Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các câu chuyện cảm động về tình đoàn kết thủy chung giữa quân dân hai nước Việt-Lào. Thời gian đã lùi vào dĩ vãng nhưng mỗi khi nhắc đến bộ đội Việt Nam, mẹ Kan Chia ở bản Pon, huyện La Man, tỉnh Se Kong (Nam Lào) luôn dành một sự trân trọng đặc biệt.

Chính mẹ là người mà cách đây gần 50 năm đã vượt qua những rào cản của kiêng kỵ, phong tục tập quán của dân tộc mình, chia sẻ dòng sữa của người mẹ tuổi 18 đang nuôi con để cứu mạng một chiến sĩ QTN Việt Nam bị sốt rét, kiệt sức trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt...

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã có gần 460.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và nằm lại trên đất bạn.

Trong những năm qua, QĐND Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và nhân dân Lào tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và thu được những kết quả rất đáng khích lệ.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/chuyen-cam-dong-ve-quan-tinh-nguyen-tai-lao-477349.html