Rước lân xuống phố

Tiếng trống rộn ràng cùng đoàn người trong trang phục vàng, đỏ rực rỡ - một khoảng trời xuân với chút hân hoan, cầu may mắn mỗi dịp tết đến xuân về. Chờ lân xuống phố - rước hên vào nhà.

Chờ nghe tiếng trống ngoài đường

Đoàn lân còn tít phía xa thì tiếng trống, tiếng chập cheng đã vọng lại khiến người trong nhà cũng phải nhỏm dậy để trông màn lộn nhào điệu nghệ. Đám con nít xúm xít quanh ông địa mở đường tay phe phẩy cái quạt, tay xoa xoa cái bụng phệ đã được hóa trang kỹ lưỡng.

Gọi múa lân là nghệ thuật cũng không sai, bởi bài bản biểu diễn, tiếng trống hay chập cheng cũng phải học hành, tập luyện mới ra điệu nghệ. Nhưng cũng không phải là nghệ thuật thuộc về sân khấu, múa lân dung dị đi giữa đời thường, mà bất kể ai cũng có thể xem và hiểu.

Biểu diễn múa lân tại khu vực Chợ Lớn (quận 5, TPHCM). Ảnh: NSNA BÙI QUỐC SỸ

Nguồn gốc sâu xa, hay ý nghĩa tầm vóc của chuyện múa lân có lẽ thuộc về các nhà nghiên cứu, tài liệu khoa học, lịch sử. Với nhiều người, múa lân như một phong tục thuộc về truyền thống, mà khi lớn lên, bắt đầu biết nhận thức xung quanh, dẫu là thị thành hay nông thôn, tiếng trống múa lân đã khắc sâu trong tâm thức mỗi người. Đoàn múa lân nào cũng trang phục màu sắc rực rỡ, náo nhiệt cả một đoạn đường đi qua. Rước lân vào nhà với ý nghĩa may mắn, rước hên cho gia chủ, cũng bởi thế mà người ta khó có thể chối từ khi được dịp có múa lân đi ngang nhà.

Tìm qua khu Chợ Lớn (quận 5, TPHCM) để chờ xem múa lân ngoài phố, Đặng Nguyễn Anh Huy (32 tuổi, nhân viên cơ khí, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi có người bạn nhà ở quận 5, tết nào cũng tranh thủ rủ nhau đi coi múa lân, tôi mê coi từ thuở nhỏ. Quê tôi ở Tiền Giang, hồi còn học tiểu học thấy mấy anh trong xóm tụ tập làm đoàn múa lân, tôi cũng xin theo nhưng nhỏ quá chỉ phụ đẩy trống hay cầm quạt theo ông Địa thôi, sau này cả nhà tôi chuyển lên đây, đi học đi làm ở thành phố, cũng ít dịp được coi rước lân trên đường làng. Qua khu Chợ Lớn không khí múa lân xôm tụ, nghe tiếng trống từ xa là thấy nôn nao trong lòng lắm rồi”.

Cũng say mê tiếng trống và những màn biểu diễn nhào lộn trên không của đội lân, anh Nguyễn Võ Lâm (37 tuổi, nhân viên kỹ thuật phần mềm, ngụ quận 7) kể: “Rảnh rỗi là tôi ôm máy ảnh qua bên Chợ Lớn canh chụp múa lân, nhất là mấy pha lộn nhào trên không đã mắt lắm. Ở quê tôi cũng có múa lân, nhưng bây giờ ít thấy, còn ở đây mấy đội lân họ tập luyện chuyên nghiệp, có bài bản biểu diễn, nên coi đã mắt. Có lần tôi chuẩn bị máy ảnh đầy đủ, nhưng mê coi mà quên bấm máy luôn”.

Bình dân nhưng vẫn chuyên nghiệp

Múa lân không phải câu chuyện để người ta bàn về tính học thuật hay nghệ thuật hàn lâm. Nhưng đó không chỉ đơn giản là cầm đầu lân, thân rồng mà múa võ. Các tiết mục là sự kết hợp hài hòa của tính mạnh mẽ, dứt khoát của võ thuật; tính dẻo dai, khéo léo của các kỹ thuật nhào lộn, leo trèo, di chuyển theo nhịp điệu và tính linh thiêng, mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian. Xét tổng thể, múa Lân - Sư - Rồng mang tính nghệ thuật rõ nét, liên kết giữa âm nhạc, hội họa và sân khấu. Do đó, người biểu diễn cũng đòi hỏi nhiều yếu tố để đảm bảo cho ra những bài múa mãn nhãn, chất lượng. Trong đó, việc học hỏi, trau dồi các kỹ thuật; khả năng cảm thụ âm nhạc; tính sáng tạo và dày công khổ luyện để trở nên thành thạo, nâng cao trình độ chuyên môn là điều thiết yếu và cần nhiều thời gian.

Nghệ nhân Lương Tấn Hằng, Trưởng đoàn Đoàn Nghệ thuật Lân - Sư - Rồng Hằng Anh Đường, chia sẻ: “Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, không có gia đình nào muốn con, cháu mình sẽ theo cái nghề múa lân này vì nó không được xem như một nghề đàng hoàng. Có thể là do nó mang tính chất manh động, hay thường gọi là giang hồ quá. Về sau, các màn trình diễn đã có sự đầu tư bài bản hơn về nhiều kỹ thuật, lồng ghép các câu chuyện truyền thuyết, truyền tải nét đẹp của văn hóa dân tộc và từ đó mang đến cách nhìn khác cho người dân”.

Không chỉ với người Việt Nam, mà gần như người dân nhiều quốc gia ở châu Á thường có quan niệm đầu năm ra đường gặp được con lân là điềm may mắn. Cứ đến dịp năm mới, khu vực Chợ Lớn nơi tập trung nhiều đoàn lân lớn lại rộn ràng tiếng trống, đoàn người rước lân xuống phố… Một nét văn hóa đặc trưng ở TPHCM, mà người ta khó có thể tìm thấy ở những đô thị khác. Và không chỉ có dịp tết hay Trung thu; tiệc khai trương, lễ động thổ… người ta cũng muốn có màn múa lân lấy hên.

Không phải bộ môn nghệ thuật gắn liền với sân khấu lộng lẫy, múa lân bình dị đi giữa góc đường, ngõ hẻm. Nhưng người biểu diễn Lân - Sư - Rồng chính là những nghệ nhân thực thụ vì quá trình khổ luyện không phải dễ dàng… Và hơn hết, tiếng trống rộn ràng, đoàn người cười nói, những màn nhào lộn điệu nghệ trở thành lớp văn hóa truyền thống trong tâm khảm mỗi người Việt. Chất chứa trong tiếng rộn ràng, linh đình là lời cầu chúc may mắn, thịnh vượng cho mình, cho người và cho đất nước vào xuân an lành.

Hơn 40 năm theo nghệ thuật múa lân, 20 năm thành lập Hằng Anh Đường, kinh nghiệm làm mới các tiết mục, bài múa của nghệ nhân Lương Tấn Hằng là lắng nghe và nghiên cứu thị hiếu để gần gũi với người xem hơn. “Trong quá trình hoạt động, tôi hay tập trung vào sự giao thoa giữa tính cổ truyền của văn hóa và tính hiện đại của thời thế, thể hiện qua sự pha trộn giữa các động tác võ thuật, nhào lộn và múa đao, kiếm chất lượng trong trình diễn. Đồng thời thích nghi với nhu cầu cùng thị hiếu của công chúng trong từng thời điểm. Riêng những truyền thống của Việt Nam, chúng ta sẽ đi theo, lồng ghép câu chuyện truyền thuyết của dân tộc để tạo sự lôi cuốn, làm người ta đi xem. Do đó, tôi có xây dựng bài múa Con Rồng Cháu Tiên, lấy cảm hứng từ truyền thuyết về cội nguồn của dân tộc Việt Nam”, nghệ nhân Lương Tấn Hằng chia sẻ.

THIÊN THANH - THANH TRÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ruoc-lan-xuong-pho-post727125.html