Rùng mình thanh kiếm của Càn Long cướp đi mạng sống của người chạm vào

Cửu Long Bảo Kiếm, bảo vật bị đánh cắp từ lăng mộ Càn Long, bị đồn đại là thanh kiếm bị nguyền rủa. Những ai sở hữu nó đều gặp kết cục bi thảm, làm dấy lên truyền thuyết rùng rợn.

Câu chuyện về thanh Cửu Long Bảo Kiếm, bảo vật bị đánh cắp từ lăng mộ Càn Long Hoàng Đế từ lâu đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi về lời nguyền và số phận bi thảm của những người từng sở hữu nó. Vụ trộm mộ chấn động Thanh Đông Lăng năm 1928 do quân phiệt Tôn Điện Anh cầm đầu không chỉ gây ra sự phẫn nộ trong dư luận mà còn kéo theo những bi kịch khó lý giải, đặc biệt liên quan đến thanh kiếm báu này.

Theo trang tin Sohu, Tôn Điện Anh, kẻ được mệnh danh "Đại đạo tặc Đông Lăng", đã chỉ huy binh lính bao vây khu lăng mộ hoàng gia Thanh triều, sử dụng thuốc nổ để xâm nhập và cướp đi vô số bảo vật. Trong số đó, thanh Cửu Long Bảo Kiếm, vật tùy thân yêu thích của Càn Long Đế, đã thu hút sự chú ý đặc biệt của Tôn Điện Anh. Với mục đích tẩu tán tang vật, Tôn Điện Anh đã đem nhiều bảo vật hối lộ cho các quan chức cấp cao thời bấy giờ. Cửu Long Bảo Kiếm được dự định trao cho Tưởng Giới Thạch, thông qua trung gian là Đới Lạp, một nhân vật tình báo khét tiếng.

Ảnh minh họa. (AI)

Ảnh minh họa. (AI)

Tuy nhiên, hành trình của thanh kiếm không dừng lại ở đó. Đới Lạp, sau khi nhận được bảo kiếm, đã giao cho Mã Hán Tam, một thuộc cấp dưới quyền cất giữ. Bước ngoặt xảy ra khi Mã Hán Tam bị quân Nhật bắt giữ. Để bảo toàn mạng sống, Mã Hán Tam đã phản bội và dâng Cửu Long Bảo Kiếm cho tình báo Nhật Bản, thanh kiếm rơi vào tay nữ điệp viên Kawashima Yoshiko, hay còn gọi là Xuyên Đảo Phương Tử.

Sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, Mã Hán Tam lo sợ tội phản quốc bị phanh phui, đã bắt giữ Kawashima Yoshiko tại Bắc Bình. Một lần nữa, Cửu Long Bảo Kiếm được dùng làm "vật tế thân" khi Mã Hán Tam dâng lại thanh kiếm cho Đới Lạp để mong được tha thứ. Nhưng số phận nghiệt ngã vẫn không buông tha Mã Hán Tam, ông ta bị bí mật xử tử không lâu sau đó.

Đỉnh điểm bi kịch xảy ra vào tháng 3/1946, trên đường mang Cửu Long Bảo Kiếm đến Nam Kinh để đích thân giao cho Tưởng Giới Thạch, Đới Lạp đã gặp tai nạn máy bay thảm khốc tại Giang Ninh. Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của Đới Lạp và thanh Cửu Long Bảo Kiếm cũng biến mất trong vụ nổ kinh hoàng.

Điều đáng chú ý là, sau khi bị đánh cắp, Cửu Long Bảo Kiếm đã qua tay 4 người và tất cả đều có kết cục bi thảm: Tôn Điện Anh chết trong tù, Đới Lạp tử nạn máy bay, Mã Hán Tam bị xử bắn, Kawashima Yoshiko bị kết án tử hình. Không một ai tránh khỏi cái chết đau đớn. Sự trùng hợp kỳ lạ này đã làm dấy lên tin đồn về lời nguyền của Cửu Long Bảo Kiếm, biến nó trở thành một bảo vật mang theo những câu chuyện rùng rợn và đầy bí ẩn.

Dù thực hư về lời nguyền vẫn còn bỏ ngỏ, câu chuyện về Cửu Long Bảo Kiếm và số phận bi thảm của những người liên quan vẫn luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, trở thành một phần không thể tách rời của lịch sử và những truyền thuyết xung quanh các bảo vật hoàng gia Trung Quốc cổ đại.

Bích Hậu (Theo Sohu)/TT&CS

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/hitech-xe/rung-minh-thanh-kiem-cua-can-long-cuop-di-mang-song-cua-nguoi-cham-vao-261872.htm