Rủi ro cao khi sầu riêng tăng nhanh diện tích

Từ sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, xuất khẩu sầu riêng liên tục lập kỷ lục mới về cả sản lượng và giá trị. Theo đó, giá sầu riêng luôn ở mức cao nhờ xuất khẩu tăng mạnh.

Sầu riêng ở các vùng trồng xuất khẩu được quảng bá tại Lễ hội Trái cây Long Khánh năm 2024. Ảnh:B.Nguyên

Sầu riêng ở các vùng trồng xuất khẩu được quảng bá tại Lễ hội Trái cây Long Khánh năm 2024. Ảnh:B.Nguyên

Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, chế biến sầu riêng lại đối mặt với nhiều rủi ro do giá tăng cao, cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường mua sầu riêng xuất khẩu, rủi ro nguồn cung sầu riêng không đạt chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, diện tích sầu riêng tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong kiểm soát chất lượng, mất cân đối cung - cầu.

DN kêu khó

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch khoảng 1 tỷ USD, dẫn đầu về xuất khẩu trong nhóm ngành hàng rau quả.

Trái ngược với thông tin đáng mừng nêu trên, nhiều DN xuất khẩu sầu riêng đang lao đao trong cuộc đua cạnh tranh gay gắt từ thu mua đến xuất khẩu mặt hàng này. DN chế biến sầu riêng cũng gặp rủi ro lớn về thị trường do giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (huyện Cẩm Mỹ) Trương A Vùng chia sẻ: “Lợi nhuận của DN xuất khẩu sầu riêng đang đi ngược với kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá sầu riêng luôn duy trì ở mức cao, người nông dân được hưởng lợi rất lớn. Tuy nhiên, DN mua sầu riêng xuất khẩu lại buồn nhiều hơn vui, vì trên 70% DN bị thua lỗ”.

Theo các DN xuất khẩu sầu riêng, hiện Việt Nam vẫn còn thiếu quy định, chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp vi phạm trong sử dụng mã số vùng trồng. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu để ngành hàng này phát triển bền vững hơn.

Theo ông Trương A Vùng, DN xuất khẩu đang đối mặt với 2 bài toán khó về giá và chất lượng. Theo đó, các DN xuất khẩu luôn cạnh tranh nhau về giá để đặt cọc nhà vườn, dẫn đến giá thu mua sầu riêng biến động mạnh hơn cả thị trường chứng khoán; trong một ngày, giá có thể tăng lên 20-30 ngàn đồng/kg. Những DN không đủ số lượng để hoàn thành hợp đồng đành chấp nhận tăng giá mua theo thị trường, dẫn đến thua lỗ. Đồng thời, nhiều DN phải hạ chất lượng trái sầu riêng xuống mức thấp so với tiêu chuẩn ngành hàng để đủ số lượng xuất khẩu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam luôn bị đánh giá thấp cả về mặt giá trị cũng như chất lượng so với sầu riêng Thái Lan.

Một khó khăn không nhỏ với các cơ sở, DN đóng gói sầu riêng là do đặc thù của ngành hàng nên các DN thường đặt địa điểm mua và đóng gói xuất khẩu tại vùng nguyên liệu với tính chất thời vụ. Do đó, nhiều cơ sở mua và đóng gói không phù phợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như vi phạm trong công tác xây dựng và các quy định liên quan.

Bà Võ Thị Trúc Thanh, đại diện Cơ sở đóng gói Thanh Trung (thành phố Long Khánh), bày tỏ lo lắng, nhà máy đóng gói sầu riêng xuất khẩu của cơ sở đã được đầu tư 2 năm qua nhưng vẫn chưa được cấp điện hoạt động. Cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, phải gồng mình gánh lỗ nên rất mong được tháo gỡ để góp phần đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, nông sản tại địa phương.

Tăng trưởng cần đi kèm chất lượng

Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích sầu riêng của cả nước đạt gần 151 ngàn hécta, cao gấp 2 lần so với quy hoạch của bộ này. Diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam đang tăng ồ ạt và dự báo vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Sầu riêng tăng nhanh về diện tích, sản lượng nhưng quản lý chất lượng chưa theo kịp. Sản xuất của ngành hàng này vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được chuỗi cung ứng từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu. Điều này dẫn đến xuất khẩu sầu riêng xuất hiện nhiều vấn đề như: sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, dư lượng hóa chất; thu hoạch non, không đạt chất lượng; vi phạm mã số vùng trồng; cạnh tranh không lành mạnh trong mua, xuất khẩu…

Điều đáng báo động là Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ra thông báo sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ 18 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói của Việt Nam do phát hiện tồn dư “kim loại nặng” vượt mức cho phép.

Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu VINA T&T (Thành phố Hồ Chí Minh) là DN tiên phong xuất khẩu trái cây. Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật của công ty, nhận xét hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước. Vùng sản xuất sầu riêng của Việt Nam còn nhỏ lẻ, trình độ kỹ thuật của nông dân còn yếu, thiếu tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu.

Đây cũng là nguyên nhân khiến một số vùng trồng chưa thực hiện tốt các biện pháp quản lý sinh vật gây hại hoặc xảy ra tình trạng tồn dư kim loại nặng trên sản phẩm. Cơ sở đóng gói chưa thực hiện tốt việc kiểm tra hàng hóa trước khi xuất xưởng. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Tại buổi tập huấn nghiệp vụ cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu vừa diễn ra tại thành phố Biên Hòa, chuyên gia thuộc Cục Trồng trọt cảnh báo, gần đây xảy ra tình trạng một số container hàng trái cây tươi xuất khẩu bị phát hiện có sinh vật gây hại hoặc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn của nước nhập khẩu. Do vậy, các vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu phải thực hiện nghiêm các quy định liên quan vì hiện đã có quy định thu hồi đối với các mã số vi phạm nhiều lần. Khi mã số bị thu hồi thì việc tái cấp lại là rất khó.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/rui-ro-cao-khi-sau-rieng-tang-nhanh-dien-tich-f2c3236/