Rủi ro cao khi đóng tiền học phí các trường ngoài công lập theo gói dài hạn

Việc huy động vốn trong hoạt động giáo dục hay đóng học phí một lần cho cả khóa học theo gói dài hạn như Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Mỹ (Trường quốc tế Mỹ) và Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders cho thấy phụ huynh học sinh (PHHS) là người chịu nhiều rủi ro.

Hợp đồng vay vốn giữa trường ngoài công lập và PHHS là sự thỏa thuận của hai bên. Trường muốn có khoản vốn ngay và PHHS được cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian hợp đồng có hiệu lực. Nhìn ở góc độ lợi ích thì đôi bên cùng có lợi, nhưng nếu về lâu dài, khó có thể nói trước điều gì, nhất là khi khả năng hay cách quản lý của người đứng đầu trường không phù hợp, nguy cơ rủi ro là rất cao.

Cuộc họp giữa đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, Công an thành phố và Trường quốc tế Mỹ với PHHS.

Chẳng hạn như Trường quốc tế Mỹ, theo số liệu trường này báo cáo với tổ công tác của UBND TP Hồ Chí Minh vào tháng 10/2023, trường ký kết 3 loại hợp đồng với PHHS gồm: 6 hợp đồng đồng hành, 1.231 hợp đồng có hoàn lại (tương đương 3.600 tỉ đồng), 224 hợp đồng trọn khóa không hoàn lại (tương đương 442 tỉ đồng); có 328 hợp đồng đã được hoàn lại với tổng số tiền 720 tỉ đồng, còn hơn 900 hợp đồng với 2.880 tỉ đồng chưa hoàn lại.

PHHS cho biết, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng trường ký hợp đồng vay vốn lãi suất 0%. Điều kiện của hợp đồng vay tiền là con được học tập miễn học phí trong thời gian học chính khóa tại trường. Theo hợp đồng, trường sẽ trả lại số tiền vay khi con kết thúc học tại trường hoặc chuyển trường. Một số học sinh hoàn thành chương trình học, đến hạn trả lại tiền nhưng nhà trường thất hứa nhiều lần. Đã vậy, học sinh còn bị nghỉ học vào đầu tháng 3/2024, do nhiều giáo viên nghỉ. Do nhà trường nợ lương giáo viên, nhân viên,… từ tháng 1 - 3/2024, khiến hoạt động của trường bị “khủng hoảng”.

Anh Nguyễn H.Đ., PHHS có con học lớp 3 tại Trường quốc tế Mỹ cho biết: “Với số tiền khá lớn, hàng nghìn tỷ đồng, cũng có thể số tiền này đầu tư vào cơ sở vật chất của trường, trả lương từ lúc trường vận hành tới giờ. Ngoài ra, không biết dòng tiền đi vào đâu. Đây là một câu hỏi rất lớn, hiện nay mỗi người trả lời một kiểu. Tất cả phụ huynh thì băn khoăn không biết số tiền đó đi đâu để giờ phút này không có tiền trả lương cho giáo viên, nhân viên của trường?”.

Nhiều phụ huynh không đồng ý với việc cứ “bơm tiền” cho bà Nguyễn Thị Út Em, vì không biết dòng tiền đi vào đâu, không thể có tình trạng khó khăn về tài chính, trường lại kêu PHHS đóng. Vì trước đó, khi phụ huynh chuyển tiền vào tài khoản của trường, nhưng nhà trường không minh bạch, không có báo cáo tài chính nào cho PHHS biết. Nhiều phụ huynh cho hay sẽ không bỏ thêm tiền cho trường, vì hoàn toàn mất niềm tin với bà Nguyễn Thị Út Em.

Tương tự, Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders thuộc Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax (nằm trong hệ thống Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup) do Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Chỉ trong 4 năm (2015- 2021), Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders phát triển thần tốc với trên 120 trung tâm, trải khắp 32 tỉnh thành cả nước với hơn 120.000 học viên, 750 giáo viên nước ngoài và trên 1.000 giáo viên, chủ nhiệm lớp. Thế nhưng, sự phát triển chóng mặt đó đã khiến Apax khủng hoảng và cuối cùng Nguyễn Ngọc Thủy bị bắt tạm giam để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nhiều PHHS ở TP Hồ Chí Minh căng băng rôn trước cơ sở Anh ngữ Apax để đòi lại tiền.

Hàng trăm PHHS trên cả nước mất ăn mất ngủ khi đã đóng học phí một lần trị giá hàng trăm triệu đồng, trong đó có nhiều người phải trả góp qua thẻ tín dụng do Apax hỗ trợ mở tại ngân hàng để cho con đi học, nhưng có những em chưa được đến lớp thì trung tâm đã đóng cửa.

Theo anh Trần Văn Nghiêm (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) đại diện một nhóm PHHS ở TP Hồ Chí Minh có con từng học tại Apax, nhóm của anh có khoảng 380 phụ huynh làm đơn, chỉ 25 người nhận lại toàn bộ học phí, hơn 10 người được trả 80% và vài người nhận 5%. Nhiều lần Shark Thủy thất hứa với lộ trình hoàn trả học phí, mất niềm tin nên PHHS đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, căng băng rôn tại các cơ sở của Apax.

Thông tin từ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Apax Leaders, tổng số tiền học phí Apax Leaders nợ phụ huynh là hơn 108 tỷ đồng, đã trả hơn 14 tỷ đồng, còn nợ gần 94 tỷ đồng.

Đó là chưa kể Shark Thủy còn huy động số tiền rất lớn từ những người đầu tư vào Tập đoàn Egroup.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, nhóm của bà có 352 người gửi đơn đến các cơ quan chức năng thưa Nguyễn Ngọc Thủy lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 590 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến 2022, được biết Nguyễn Ngọc Thủy có nhu cầu huy động vốn đầu tư cho Egroup với mức lãi suất hấp dẫn 15%/năm, nhóm của bà đã “rót tiền” vào nhưng không lấy lại được.

Nhiều người ở Hà Nội căng băng rôn trước cơ sở Anh ngữ Apax để đòi lại tiền.

Câu chuyện của Trường quốc tế Mỹ và Tập đoàn giáo dục Egroup thực hiện các hợp đồng với tổng giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng và mất khả năng thanh khoản dẫn đến xuống dốc không phanh, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường giáo dục cũng như trật tự xã hội.

Theo luật sư Phạm Văn Thạnh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, mô hình vay vốn giữa trường ngoài công lập và PHHS dù chỉ áp dụng đối với một số ít gia đình có điều kiện kinh tế, nhưng mô hình này cho thấy nhiều rủi ro, mà rủi ro đó thường phía phụ huynh và học sinh bị ảnh hưởng. Mặt tích cực của mô hình này là huy động phụ huynh có tiền nhàn rỗi hoặc có khả năng đóng tiền nhiều năm để được hưởng chiết khấu học phí, không bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng học phí từng năm. Nhưng mặt trái là phụ huynh và con em mình bị lệ thuộc phải theo trường suốt một thời gian dài, khi nhu cầu có thay đổi, chuyển nơi sinh sống hoặc chất lượng học không đúng như cam kết là vấn đề hết sức khó khăn, phụ huynh không có quyền tự quyết mà lệ thuộc nhà trường.

Ngoài ra, khi đã trao trước số tiền lớn cho trường, số tiền đó lại không được bảo hiểm, không được bảo đảm bằng những ràng buộc cụ thể. Trong khi hầu hết trường tư hoạt động theo mô hình công ty quản lý, nhà trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận, nếu gặp rủi ro trường phá sản thì giải quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản.

Vì thế, khi lựa chọn tham gia gói học như trên, phụ huynh cần phải tìm hiểu kỹ ai là chủ trường, uy tín của họ tới đâu, mức độ cam kết với phát triển trường cũng như chất lượng giáo dục tới đâu, tiềm lực tài chính, năng lực quản trị điều hành như thế nào, việc minh bạch sử dụng tiền vay để cân nhắc tham gia. Nếu không có thông tin đáng tin cậy, phụ huynh cần cân nhắc vì rủi ro thuộc về phụ huynh. Thực tế phụ huynh phải đóng thêm tiền để nhà trường hoạt động trở lại đã chứng minh rủi ro luôn đứng về phía mình, phải đóng thêm tiền để con em được học tiếp như Trường quốc tế Mỹ là một tiền lệ xấu.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo PHHS cần thận trọng khi đóng học phí theo các gói đầu tư nhiều năm để tránh rủi ro.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/rui-ro-cao-khi-dong-tien-hoc-phi-cac-truong-ngoai-cong-lap-theo-goi-dai-han-i727713/