Rớt nước mắt với gia đình chồng liệt giường, 4 cháu nhỏ bệnh tật
Tuổi già, sức yếu nhưng bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1957, ở thôn Trường Châu, xã Xuân Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang hàng ngày phải gồng mình chăm chồng nằm liệt giường, 4 cháu nhỏ. Hoàn cảnh của gia đình bà Hoa khiến nhiều người phải ái ngại.
Số phận nghiệt ngã
Tìm về xóm Trường Châu vào buổi sáng sớm, chúng tôi tìm hỏi đến nhà bà Hoa ai ai cũng biết đến và ái ngại với hoàn cảnh éo le của gia đình bà.
Theo lời chỉ dẫn của người dân không khó để chúng tôi tìm ra căn nhà nghèo nhất làng của gia đình bà Hoa. Căn nhà nhỏ heo hút rộng chưa đầy 20m2 không có một vật dụng gì quý giá là nơi trú ngụ của vợ chồng bà Hoa cùng với bốn đứa cháu nhỏ.
Nói là căn nhà nhưng chẳng khác gì một túp lều, những cánh cửa gỗ ọp ẹp chỉ chực rơi ra khỏi bản lề và để lộ những khoảng trống lớn, có chỗ phải dùng bạt nilon, che tạm để ngăn bớt những cơn gió lạnh và ánh nắng chiếu vào trong nhà.
Thấy khách lạ bà Hoa ra tiếp đón mời chúng tôi vào, khuôn mặt gầy gò khắc khổ được in hằn lên rõ rệt của bà. Rót chén nước mời chúng tôi, bà Hoa tâm sự: "Vợ chồng tôi sống chủ yếu nhờ dăm ba sào ruộng. Gần 10 năm nay chồng tôi đau ốm nằm liệt giường không làm được việc gì. Sinh được bốn người con nhưng chúng nó đều có hoàn cảnh khó khăn. Đứa con đầu của tôi từ khi có con nó lại mắc bệnh nằm một chỗ, vợ bỏ đi để lại con nhỏ cho vợ chồng tôi chăm sóc. Đứa con gái thứ hai sau khi sinh con xong thì nó mắc bệnh qua đời, đứa con nhỏ tội nghiệp cũng do một tay tôi nuôi nấng".
Chồng bà Hoa là ông Hoàng Văn Toản (SN 1952), năm 1975 ông Toản từng tham gia bộ đội, sau khi xuất ngũ trở về địa phương ông bị mất hết giấy tờ nên cũng không được chế độ gì.
Cứ tưởng rằng dù cuộc sống khốn khó nhưng ông bà, cháu chắt có thể nương tựa vào nhau sống qua ngày. Nhưng tai ương ập đến khi đứa cháu đầu của bà là Nguyễn Viết Quang (SN 1995) đến tuổi đến trường lại không thể theo học như bạn bè cùng trang lứa vì mắc chứng bệnh động kinh, mỗi khi lên cơn cháu lại sùi bọt mép. Đứa cháu nhỏ nhất của bà cũng mắc bệnh động kinh và hen phế quản.
Thấy bà vất vả chăm lo cho cả nhà, đứa cháu thứ hai là Nguyễn Thị Kim Chi (SN 2002) cũng đành phải nghỉ học giữa chừng vào tận Bình Dương xin làm việc ở công ty gom góp tiền gửi về phụ giúp ông bà nuôi mấy em nhỏ.
"Lặn lội thân cò"
Hàng ngày ngoài việc đồng áng mấy bà cháu lại đi nhặt nhạnh những chai nhựa, sắt vụn mang đi bán kiếm thêm thu nhập. Hằng đêm, khi những người phụ nữ khác còn yên giấc bên chồng thì bà Hoa lại phải "lặn lội thân cò" ra bờ sông nhặt ngao hến để bán.
"Đêm nào cũng vậy, đợi chồng cháu đi ngủ tôi lại ra ngoài ruộng, xuống sông để mò cua ốc cho đến 3-4 giờ sáng về mang lên chợ bán cho kịp phiên chợ", bà Hoa chia sẻ. Vất vả là vậy nhưng cuộc sống nghèo đói, khốn khổ cứ đè nặng lên đôi vai gầy guộc của bà.
Đưa ánh mắt nhìn ra ngoài sân, bà Hoa khẽ giấu giọt nước mắt: "Tôi già rồi nhưng vẫn còn chút sức cố gắng làm để nuôi các cháu nhỏ trưởng thành. Số chúng nó bất hạnh từ nhỏ. Tôi già rồi cũng sẽ chết nhưng thương cho mấy đứa nhỏ, tương lai của chúng không biết sẽ ra sao".
Trong lúc bà Hoa đang ngồi nói chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng chồng và cháu lên cơn đau lại kêu lên. Cứ mỗi lần như vậy bà Hoa lại vội vã đến bên ôm chồng, cháu vào lòng vỗ về, động viên. Hình ảnh đó khiến chúng tôi không kìm được nước mắt.
Bà Phương (hàng xóm bà Hoa) cho biết: "Chúng tôi là bà con hàng xóm với gia đình bà Hoa, thấy bà ngày thì tất bật hết việc nhà, việc thuê, tối đến thì phải ra sông mò cua ốc, chúng tôi khuyên bà làm bớt việc đi, khuyên thì khuyên vậy nhưng chúng tôi cũng biết là bà không làm thì lấy gì để nuôi cả gia đình như vậy. Tất cả trang trải trong gia đình đều đổ dồn lên đôi vai bà. Nghĩ đến hoàn cảnh của bà chúng tôi ai cũng thương cảm".
Đã sống hơn nữa đời người mà bà Hoa vẫn chưa có được một ngày thảnh thơi. Tuổi già, sức khỏe ngày càng yếu. Không biết rồi đây, bà còn trụ được bao lâu nữa để lo cho người chồng bệnh tật và bốn đứa cháu dại của mình. Khi sức khỏe của bà cạn kiệt không thể tiếp tục gánh gồng nuôi gia đình nữa thì ai sẽ là người làm thay bà đây. Cầu mong cho bà có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục chống chọi với cuộc đời đầy bất hạnh.
Trao đổi với PV, bà Trần Thị Luyến – Trưởng thôn Trường Châu cho biết: "Hoàn cảnh gia đình bà Hoa đặc biệt khó khăn, là gia đình thuộc diện hộ nghèo hàng chục năm nay. Hàng tháng gia đình bà chỉ nhận được 540.000 đồng tiền trợ cấp người khuyết tật nhưng từng đó không thể đủ trang trải cho tiền thuốc men của chồng và cháu bà. Hi vọng các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để gia đình bà bớt khổ".
Mọi sự giúp đỡ gia đình bà Hoa xin gửi về:
Bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1957), ở thôn Trường Châu, xã Xuân Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 505.
Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 505.
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/ 0981656685.
Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):
Tên tài khoản: Báo Gia đình & Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):
Tên tài khoản: Báo Gia đình & Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
Đề gửi Mã số 505.