"Rồng phun lửa" UR-77 Meteorite ngoài tác dụng dọn dẹp bãi mìn, giúp đơn vị cơ giới vượt qua vật cản thì còn là một vũ khí tấn công đáng nể trong tác chiến đô thị, khi có thể "san phẳng" cả cụm công sự dài.
Việc Quân đội Nga dùng phương tiện tác chiến đặc biệt này cho thấy tính chất phức tạp và ác liệt tại chiến trường Ukraine
UR-77 Meteorite cùng với hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-1A Solntsepek có lẽ sẽ được sử dụng như hỏa lực trực tiếp, với kỳ vọng sẽ giúp Quân đội Nga chiếm giữ ưu thế lớn trước đối phương.
Tổ hợp UR-77 Meteorite được chế tạo vào năm 1978 dựa trên khung gầm pháo tự hành 2S1 Gvozdika nhằm để thay thế xe phá mìn UR-67 thế hệ cũ, phương tiện này có khả năng việt dã rất cao.
Máy phóng của Meteorit mang hai dây đạn đường kính 93 mm, mỗi dây chứa hơn 700 kg thuốc nổ dẻo, hay thuốc nổ TNT dạng bột. Các dây đạn này có thể được hai tên lửa phóng đi ra xa tới 500 m.
Mỗi lượng nổ được UR-77 phóng đi có thể quét một phạm vi rộng 6 m, dài 90 m qua bãi mìn, tạo ra sóng kích nổ toàn bộ các quả mìn. Meteorite thường triệt phá rất hữu hiệu loại mìn sát thương M14 của Mỹ. Một hệ thống UR-77 thường biên chế từ 2 - 4 binh sĩ.
Điều đặc biệt là UR-77 có thể thực hiện nhiệm vụ ngay cả khi xe đang lội nước, tính năng trên không những giúp nó tấn công trên đất liền, mà chúng còn được dùng để chế áp tiền duyên phòng ngự trong các cuộc đổ bộ đánh chiếm đảo.
Dây đạn chứa thuốc nổ phá mìn thường là loại UZ-67 hoặc UZP-77 với sức công phá mạnh hơn tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. Mỗi lần phóng, UR-77 chỉ phải mất khoảng thời gian từ 3 - 5 phút để dọn sạch một quãng đường qua bãi mìn hoặc phá sập phòng tuyến đối phương.
Nhưng để nạp lại lượng nổ cho lần phóng kế tiếp thì UR-77 lại cần tới 30 - 40 phút. Nhờ tính năng đáng nể của mình mà tổ hợp phá mìn UR-77 Meteorite được các chuyên gia coi là một trong những phương tiện tốt nhất để vượt qua các bãi mìn.
UR-77 trước đó từng được sử dụng tại chiến trường Afghanistan, chiến tranh Chechnya và Quân đội Liên bang Nga ở Dagestan đã sử dụng chúng để tiêu diệt các hỏa điểm cố định của nhóm khủng bố hồi giáo quá khích trong khu dân cư.
UR-77 thường được triển khai cùng với TOS-1A Solntsepek.
Tuy nhiên trên chiến trường Ukraine, vũ khí này chưa chắc đã phát huy được tác dụng, bởi khi đối đầu một quân đội chính quy, được trang bị vũ khí tầm xa thì UR-77 sẽ phải đối diện nguy cơ rất lớn.
Nhược điểm chết người của UR-77 là phạm vi tác chiến hạn chế, khung gầm xe thiết giáp của nó cũng không có lớp giáp tốt, khó lòng chống chịu hỏa lực bắn thẳng từ phía đối phương.
Trong khi đó binh sĩ Ukraine lại sở hữu nhiều tổ hợp tên lửa chống tăng rất lợi hại, thậm chí cả súng phóng rocket cầm tay uy lực, đủ sức phá hủy một hệ thống cồng kềnh như UR-77 Meteorite từ rất xa.
Việt Dũng