20 giờ 13 phút ngày 18/12/1972, chiếc máy bay B-52 với phù hiệu “Nắm đấm thép và tia chớp” đã trúng tên lửa của bộ đội Việt Nam, bốc cháy và rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 (Đoàn Phòng không Hà Nội) hạ gục ngay trong ngày mở màn chống lại Chiến dịch Linebacker II của Mỹ trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Dù được bảo vệ bởi phi đội tiêm kích hùng hậu, hệ thống chế áp điện tử tối tân, nhưng B-52 của Mỹ vẫn không thoát khỏi thảm cảnh bị hủy diệt bởi tên lửa S-75.
Theo thống kê của Việt Nam, đã có 34 chiếc B-52 bị bắn hạ trong chiến dịch Linebacker II của Mỹ, trong số này phần lớn là bị hạ bởi tên lửa SAM-2.
Đêm 19 và đêm 20/12/1972, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 (Sư đoàn 361) đã đánh 3 trận xuất sắc, khi chỉ với 6 quả đạn tên lửa SAM-2 đã tiêu diệt 3 "pháo đài bay" B-52 của Mỹ.
Sau đó ít ngày, cũng bằng 2 quả tên lửa SAM-2, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 (Sư đoàn 363) quật ngã 2 "pháo đài bay" B-52 của Mỹ, một chiếc rơi ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Điều đặc biệt là những quả đạn tên lửa SAM-2 ấy phần nhiều đã quá niên hạn sử dụng,
Quân chủng Phòng không-Không quân đã nghiên cứu tìm cách tăng hạn, kéo dài tuổi thọ cho từng quả đạn bằng “quy trình lắp ráp ngược”.
Tổng kết chiến dịch, lực lượng đóng góp công đầu trong bắn rơi máy bay ném bom B-52 của Mỹ chính là bộ đội tên lửa.
Sau này một số sử gia của Mỹ cho rằng, trong 12 ngày đêm, bộ đội tên lửa Việt Nam đã bắn khoảng 1.000 quả tên lửa SAM-2; nếu kéo dài thời gian chiến dịch thì Việt Nam sẽ hết tên lửa dự trữ.
Tuy nhiên người Mỹ đã bị bộ đội tên lửa Việt Nam đánh lừa, vì số tên lửa mà không quân Mỹ đếm được thì có hơn 2/3 là tên lửa ảo, tức là có nhấn nút phóng nhưng không có tên lửa bay đi.
Hệ thống điện tử của máy bay Mỹ chỉ biết đếm số lần phóng mà không kiểm chứng được có tên lửa thật được phóng đi hay không.
Thực tế thì 12 ngày đêm, ta chỉ bắn 334 quả tên lửa, tức là hết 60% kho tên lửa, cộng thêm khoảng 300 quả tên lửa cũ ta mới phục hồi lại, số tên lửa này đã có từ trước chưa sử dụng.
Nếu Mỹ tiếp tục kéo dài chiến dịch Linebacker II, bộ đội tên lửa của Việt Nam vẫn đủ lượng đạn để đánh trả.
S-75 Dvina là một tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM-2) tầm cao được điều khiển bằng hệ thống radar ba tác dụng do Liên Xô chế tạo.
Kể từ khi được triển khai lần đầu tiên vào năm 1957, nó đã trở thành một trong các loại tên lửa phòng không được triển khai và sử dụng nhiều nhất trong lịch sử.
Tổ hợp này trở nên nổi tiếng lần đầu tiên khi một khẩu đội S-75 bắn hạ một chiếc máy bay do thám U2 của CIA, khi chiếc máy bay này đang bay do thám trên không phận của Liên Xô vào năm 1960.
Tên lửa S-75 Dvina có tầm bắn hiệu quả khoảng 45 km, trần bay cao tối đa 25 km và có thể đạt tốc độ tối đa lên tới Mach 3,5.
Tên lửa phòng không S-75 sử dụng hệ thống tên lửa đẩy dùng nhiên liệu lỏng và rắn. Theo đó, ở giai đoạn đầu tiên tên lửa sẽ sử dụng nhiên liệu dạng rắn.
Sau khi tách tầng đầu, tên lửa bắt đầu sử dụng nhiên liệu dạng lỏng.
Đạn tên lửa có chiều dài 10,6 m; đường kính 0,7 m; trọng lượng phóng 2.300 kg; đầu đạn 200 kg HE.
Bán kính tiêu diệt mục tiêu của đạn tên lửa khoảng 65 m (ở độ cao lớn, khí quyển loãng, bán kính tiêu diệt mục tiêu có thể lên đến 250 m).
Các đầu nổ của đạn tên lửa đều được lắp hai hệ thống ngòi nổ: Hệ thống ngòi nổ sát thương và hệ thống ngòi nổ tự hủy. Khi cách mục tiêu khoảng 60m, hiệu ứng vô tuyến sẽ kích hoạt ngòi nổ sát thương gây nổ đạn.
Ngòi nổ tự hủy của đạn tên lửa hoạt động ở chế độ tự động và chỉ được kích hoạt ở độ cao hơn 23 km khi ngòi nổ sát thương không hoạt động (trường hợp bắn trượt mục tiêu).
Khi đầu đạn được kích nổ sẽ sinh ra nhiệt lượng rất lớn, sóng xung kích mạnh và tạo ra hàng chục nghìn mảnh đạn để tiêu diệt mục tiêu.
Tên lửa SAM-2 có nhược điểm là dùng nhiên liệu lỏng (gồm hai chất riêng biệt thường gọi là chất "O" và chất "Gh") cực kỳ độc hại, thường xuyên phải thay thế, tăng hạn mới có thể trực chiến lâu dài.
Trong chiến dịch phòng thủ đuờng không 12 ngày đêm cuối tháng 18-30/12/1972, 14 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng đã bắn rơi 27 máy bay B-52.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ thừa nhận mất 25 chiếc B-52 trong toàn bộ cuộc chiến, trong đó có 15 chiếc bị SAM-2 bắn rơi trong Chiến dịch Linebacker II.
Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam 1965-1968 và 1972, các đơn vị tên lửa SAM-2 của Việt Nam đã đánh 3.542 trận, trong đó có 588 trận đánh ban đêm; tiêu thụ 5.885 quả đạn.
Theo thống kê của Việt Nam, trong suốt cuộc chiến, ta đã bắn rơi 788 máy bay của Mỹ, trong đó có 366 chiếc rơi tại chỗ; trong đó có 43 máy bay ném bom B-52.
Như vậy bình quân 7,1 quả đạn của hệ thống SAM-2 đã diệt được một máy bay của quân đội Mỹ
Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã sử dụng tên lửa SAM-2 để đánh thắng máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ.
Việt Hùng