''Rộng cửa'' chào đón nhà đầu tư vào chế biến
Tình trạng 'giải cứu' nông sản không ngừng tái diễn trong suốt thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ từ sự yếu kém về công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo quản và đặc biệt ưu tiên phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững.
* Có nhiều thuận lợi
Theo các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào ngành chế biến nông sản, hiện có nhiều thuận lợi khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản vì Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm và có nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này. Doanh nghiệp đến các tỉnh đầu tư đều được chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện để phát triển. Gần đây, nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước được ký kết, mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cũng khuyến khích nhà đầu tư vào ngành chế biến nông sản.
Cụ thể, có nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, khoa học - công nghệ, thị trường... Đây được cho là cơ hội để thay đổi “chất” cho điểm yếu của nông sản Việt Nam từ trước đến nay là: chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô hoặc chỉ qua sơ chế vì chế biến sâu chưa phát triển; thương hiệu nông sản còn thiếu và yếu…
Với mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản và phát triển ngành nông nghiệp bền vững, Đồng Nai đang triển khai nhiều đề án, chương trình thu hút đầu tư phát triển khâu chế biến, bảo quản. Trong đó, tỉnh đang triển khai thực hiện 2 cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản là: Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (H.Cẩm Mỹ).
Đồng Nai cũng đang tập trung hoàn thiện và triển khai danh mục các dự án đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.
Bên cạnh đó, những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng được tập trung tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn những chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Với tổng diện tích cây ăn trái gần 70 ngàn ha, cây công nghiệp gần 99 ngàn ha, Đồng Nai có nhiều lợi thế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Góp ý cho định hướng thu hút đầu tư vào chế biến, GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chỉ ra nguyên nhân xảy ra tình trạng ế đọng nông sản, đặc biệt của ngành hàng trái cây tươi, là do sản lượng tăng rất nhanh. Các loại cây ăn trái lại có tính thời vụ rất cao nên cần thu hút đầu tư vào chế biến. Đồng Nai có nhiều lợi thế hơn những địa phương khác trong thu hút đầu tư chế biến nông sản vì tỉnh phát triển về công nghiệp; vị trí địa lý gần các cửa sông lớn, cảng biển. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến qua những hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, thuế, mặt bằng sản xuất…
* Cần hỗ trợ về nguồn vốn
Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có ngành chế biến, có nhiều khó khăn vì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Đây cũng là rào cản mà nhiều doanh nghiệp, HTX mong được tháo gỡ.
Chỉ ra những khó khăn trong đầu tư, ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia (TP.Long Khánh) chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư 2 nhà máy chế biến nông sản ở TP.Long Khánh và H.Nhơn Trạch nên cần vốn đầu tư lớn. Tuy có chính sách nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Những chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước không thiếu và rất tốt nhưng vẫn chưa đi vào thực tế. Doanh nghiệp rất mong có được sự đồng hành của Nhà nước trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến”.
Cùng quan điểm, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) chia sẻ thêm, khi mới khởi nghiệp, doanh nghiệp không có tài sản để huy động nguồn vốn lớn, chủ yếu phải vay mượn từ họ hàng, người thân nên vốn đầu tư rất hạn chế. Thiếu vốn cũng là khó khăn không nhỏ của doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất với giá đầu vào ổn định...
GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam góp ý Đồng Nai phải tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản; gắn kết giữa các vùng trồng với các nhà máy chế biến trên cơ sở tính toán kỹ từng bước đi để tránh tình trạng “trồng rồi lại chặt”. Yếu tố khác cần lưu ý là cần đầu tư khu bảo quản, kho trữ nguyên liệu cho chế biến để khắc phục tính chất thời vụ của nông sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến cần quan tâm đến các giải pháp cho nhà máy hoạt động hiệu quả hơn; tính toán gần vùng nguyên liệu để giảm chi phí đầu vào; tập trung vào những mặt hàng có lợi ở địa phương…