Rộn ràng lễ hội Kate

Duy nhất trong năm, chỉ có dịp lễ hội Kate, các khu đền tháp Chăm lại bừng sáng rộn ràng trong sắc màu trang phục và âm thanh nhạc cụ. Không chỉ là lễ hội lớn nhất của đồng bào Chăm, là lễ thiêng để người Chăm xa mấy cũng trở về, lễ hội Kate còn là mối ràng buộc, gắn kết mãi mãi 2 dân tộc Chăm và Raglei trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Quang cảnh Lễ hội Kate 2019. Ảnh: Nguyễn Hiền

Tương tự như các tôn giáo khác, Ấn Độ giáo và Hồi giáo du nhập vào nền văn minh Champa trong lịch sử cũng đã kết hợp với tín ngưỡng của họ tạo nên một bản sắc văn hóa riêng có, trong đó có nghi thức cúng tế thường niên còn lại cho đến ngày nay. Một trong số đó là Lễ hội Kate tổ chức theo lịch Chăm vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch và đã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.

Năm 2019, Lễ hội Kate diễn ra từ ngày 27 đến 29-9 với trung tâm là 3 ngày lễ tại Cụm tháp Po Klong Garai Ninh Thuận và hầu như các làng có người Chăm cư trú đều tổ chức lễ hội này ở các cấp khác nhau, từ cấp tỉnh đến các khu dân cư, các dòng họ, hội đồng hương. Cộng đồng người Chăm hiện nay sinh sống đông đảo nhất ở Ninh Thuận và rải rác dọc miền duyên hải Nam Trung bộ cũng luôn lấy Ninh Thuận làm mảnh đất trở về mùa Lễ hội Kate. Họ gọi đây là “Mùa Chăm sum họp”.

Khi Vương quốc Champa phát triển cực thịnh theo Ấn Độ giáo, các đền tháp và tôn giáo không thuộc về nhân dân mà thuộc về tầng lớp vua chúa, quý tộc, các tu sĩ Bà-la-môn. Chỉ có họ mới được cúng tế, cầu ước và sử dụng quản lý các đền tháp tượng trưng cho các vị thần. Vì thế, các đền tháp đã xây dựng đều có lòng tháp nhỏ hẹp, chỉ chứa đủ các thầy cúng và chủ tế, mang dáng vẻ uy nghi và biệt lập với các khu vực đông dân cư.

Nguồn gốc của Lễ hội Kate cũng đã minh chứng cho nhận định, nếu lễ hội không thuộc về số đông, không mang chứa được sự bảo bọc linh hồn, không quy tụ được nhân dân, cộng đồng thì không thể tồn tại được lâu bền. Điều đáng nói là ngày nay, Lễ hội Kate dần trở nên coi trọng phần hội hơn phần lễ. Càng ở trong dân chúng, lễ hội càng giản tiện, chú trọng vào việc các gia đình dâng lễ vật cầu bình an, sau đó gặp gỡ vui chơi văn nghệ quần chúng, xem hát và múa, chơi nhạc cụ truyền thống. Như vậy, lễ hội ngày càng hướng tới các chủ thể là người dân, không còn là của riêng tầng lớp quý tộc, trở thành sức mạnh, niềm khích lệ và tự hào của cả cộng đồng.

Về mặt ý nghĩa, Lễ hội Kate có phần tương đồng với dịp tết năm mới ở các dân tộc khác. Thời điểm đồng bào Chăm bước vào Lễ hội Kate cũng là thời điểm các đền tháp xây xong, mùa đã gặt và là khoảng thời gian nông nhàn. Ngày đầu tiên, phần lễ diễn ra ở đền tháp linh thiêng. Các thầy cúng làm lễ mở cửa tháp, cúng tháp, tắm tượng, lễ dâng và thay trang phục tượng thần, cúng tế và dâng lễ trong tiếng nhạc khí và các điệu hát múa truyền thống.

Các bài cúng của các thầy cả (người kế thừa truyền thống biết cúng và hát nói có uy tín trong cộng đồng người Chăm) đều là bài trình tế tâm nguyện, cầu an thái cho người, cầu mùa và thời tiết thuận lợi, đủ nước nông nghiệp. Đặc sắc ở chỗ các gia đình và dòng họ lúc này mang lễ vật tới cúng thần. Quang cảnh quanh các ngôi tháp như một cuộc hội ngộ, sum họp đông đúc, rộn ràng. Họ đội trên đầu các vò gốm, dâng hoa, dâng y phục, đồ tế lễ và ăn mặc trang phục thành kính đẹp nhất để lên tháp. Sau lễ ở tháp mới là lễ ở các gia đình và tổ chức thăm hỏi, chúc tụng nhau gặp được bình an, hạnh phúc.

Mặt khác, Lễ hội Kate còn là dịp thắt chặt hơn giao kết đã có giữa 2 dân tộc Chăm và Raglei vốn có chung vùng cư trú và cùng hệ ngữ, cùng chung nhiều thiết chế văn hóa. Trong lễ hội, theo truyền thống của lễ dâng y, người Chăm phải lấy áo, váy, khăn mũ, trang sức và nhiều đồ tế lễ khác từ người Raglei để tế thần. Lễ vật là trầu cau, gạo, đậu, thịt gia súc và một số đồ cúng được làm bằng bạc, vàng... đều do cộng đồng người Raglei sửa soạn, chuẩn bị trước.

Ở các vùng dân cư, 2 dân tộc Chăm và Raglei đều cư xử với nhau như những người chung một dòng họ. Họ tin vào truyền thuyết cho rằng, người Raglei cũng là một bộ phận thần dân của đất Champa xưa. Theo lưu truyền mẫu hệ, người Raglei là em, người Chăm là chị có chung cha mẹ. Và theo luật tục, người em là người ở cùng cha mẹ, thừa kế tài sản, giữ đồ gia bảo và thờ cúng tổ tiên. Chính vì vậy, người Raglei mang danh là quản gia, lưu giữ đồ vật và đồng thời chuẩn bị đồ lễ cho mỗi mùa Lễ hội Kate. Ngày nay, nghi lễ ngày càng được rút gọn, đồ lễ không rườm rà và quá sức về giá trị lớn. Cùng với thời gian, mối giao hảo giữa 2 dân tộc chưa từng mất đi.

Lễ hội Kate 2019 đánh dấu một bước chuyển biến mới trong thực hiện tổ chức lễ hội cấp di sản quốc gia. Ngoài giá trị cốt lõi là các lễ tế ở đền tháp, hầu như diễn ra trong 3 ngày lễ hội là không khí tưng bừng phấn khởi, thành kính và rộn ràng trong cộng đồng người Chăm. Trong dịp này, tất cả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được phô diễn, tôn vinh nhằm mục đích quảng bá và bảo tồn trong đời sống.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ron-rang-le-hoi-kate/