Robot hình người: Ván cược mới của các ông lớn công nghệ

Không chỉ thu hút sự chú ý của công chúng, robot hình người còn nhận được hàng tỷ đô la đầu tư từ các ông lớn công nghệ như Amazon, Microsoft, NVIDIA.

Tỷ phú Elon Musk - CEO Tesla, thậm chí tự tin rằng robot Optimus của công ty có thể nâng giá trị thị trường của Tesla lên đến 25.000 tỷ USD. Tuần trước, Optimus thế hệ thứ hai cùng hơn 25 mẫu robot hình người của các công ty khác cũng đã được trưng bày tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới ở Thượng Hải, Trung Quốc. Dự kiến, Tesla sẽ mở bán Optimus tại Trung Quốc vào cuối năm 2025.

Các robot hình người được chú ý trong thời gian gần đây: Optimus, Digit, Figure 01 và Phoenix (từ trái qua)

Các robot hình người được chú ý trong thời gian gần đây: Optimus, Digit, Figure 01 và Phoenix (từ trái qua)

Thiết bị phải có kế tiếp

Không chỉ Tesla, hàng loạt công ty công nghệ khác như Microsoft, NVIDA, Google cũng đang đặt cược vào robot hình người, với hơn 250.000 robot dự kiến xuất xưởng vào năm 2030 và giá trị của thị trường này có thể lên tới 38 tỷ USD vào năm 2035, theo Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Dự báo robot hình người là thiết bị "phải có" kế tiếp, Goldman Sachs cho rằng chúng có thể sẽ giữ vai trò "rất quan trọng trong sản xuất lẫn công việc nguy hiểm, cũng như giúp chăm sóc người già và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các nhà máy".

Một thương vụ tiêu biểu cho thấy sự quan tâm của các ông lớn công nghệ với robot là Figure AI với khoản đầu tư 675 triệu USD vào đầu năm nay. Startup này cho biết đã nhận được sự tin tưởng từ nhiều cái tên lớn trong lĩnh vực AI là Jeff Bezos, NVIDIA, Amazon, Microsoft và OpenAI. Dù mới thành lập vào năm 2022, Figure AI hiện có định giá 2,6 tỷ USD và đã phát triển được robot đa năng có hình dáng và chuyển động giống người mang tên Figure 01. Robot này dự kiến được giao nhiệm vụ trong sản xuất, vận chuyển, hậu cần, kho bãi và bán lẻ - các lĩnh vực đang thiếu lao động.

Bên cạnh dòng vốn, một lý do để cuộc đua robot nhất định cần thiết sự góp mặt của các ông lớn công nghệ là nền tảng AI và nguồn lực mà các công ty này sở hữu.

Nếu muốn phát triển AI đến tận cùng, bạn phải hợp tác với Microsoft, Nvidia hay Google, hoặc một trong các công ty lớn. Không còn cách nào khác. Họ có những nguồn lực mà không người nào có, ngay cả chính phủ.

Geordie Rose - CEO của startup Sanctuary AI

Còn Jeff Cardenas - CEO của Apptronik, nói: "Cho đến thời điểm này, NVIDIA vẫn là đối tác tuyệt vời. Chúng tôi sử dụng mọi thứ từ phần cứng đến kỹ thuật mô phỏng của họ, và gần đây đã bắt đầu làm việc với họ trên các mô hình nền tảng".

Cả Sanctuary AI lẫn Apptronik đều phát triển robot hình người, với sản phẩm lần lượt là Phoenix và Apollo. Hai mẫu robot đều cao khoảng 1,7m và có thể nâng vật nặng đến 25kg. Trong khi Phoenix di chuyển bằng bánh xe, Apollo đi lại bằng chân và có thể hoạt động liên tục trong 4 tiếng nhờ bộ pin cho phép tháo rời để thay khi hết điện. Khách hàng tương lai của 2 startup này là các nhà sản xuất với dây chuyền lắp ráp và trên thực tế Mercedes-Benz tháng 3/2024 đã tuyên bố hợp tác với Apptronik để đưa Apollo vào làm việc trong các nhà máy của hãng.

Sự thúc đẩy của AI

Sự quan tâm từ các ông lớn công nghệ và nhiều tín hiệu lạc quan trong ngành công nghiệp robot được thúc đẩy bởi những tiến bộ gần đây của AI. Không chỉ thay đổi cách con người huấn luyện cũng như sử dụng robot, AI còn giúp chúng có thể học hỏi từ dữ liệu và tiến hành các nhiệm vụ một cách tự động. Các mô hình AI hiện đại, tương tự nền tảng đằng sau ChatGPT của OpenAI, cho phép robot diễn giải ngôn ngữ và mệnh lệnh tốt hơn, nhờ đó giúp chúng học hỏi và thích nghi với môi trường mới mà không cần phải được lập trình lại từ đầu.

Robot là nơi AI gặp gỡ thế giới thực. Điều này tạo ra nhiều sự kết hợp mới rất thú vị mà tôi nghĩ rằng ngay cả 5 năm trước, chúng ta cũng không thể tưởng tượng được.

Henrik Christensen - Giáo sư Khoa học máy tính và Kỹ thuật thuộc Đại học California (San Diego)

Theo Rose, robot hiện đã có thể được huấn luyện giống như con người thông qua công nghệ điều khiển từ xa, và ở Sanctuary AI, chúng được dạy bằng công nghệ Teleoperation. Cụ thể, người dạy thực hiện một việc 200 lần và tất cả dữ liệu sẽ được ghi lại để đào tạo các mô hình mà vốn rất giống với mô hình AI tạo sinh của ChatGPT. "Bạn chỉ cần nạp dữ liệu của 200 động tác để hệ thống nghiên cứu cách hoàn thành nhiệm vụ rồi cho robot tự động tiến hành", vị CEO nói.

Trong khi đó, Pras Velagapudi - CTO của Agility Robotics, một startup robot ở Oregon (Mỹ), nói: "Dù phải tiếp xúc với một môi trường mới thì giờ tôi cũng không cần phải dành hàng tháng trời để cố gắng mã hóa nó nữa. Tôi gần như có thể tạo ra nó ngay lập tức bằng AI tạo sinh rồi để Digit (robot của Agility) tương tác với các đối tượng và môi trường mới mà không cần phải phát triển gì cả".

Cách huấn luyện robot ở Sanctuary AI. Ảnh: CNBC

Cách huấn luyện robot ở Sanctuary AI. Ảnh: CNBC

Dù vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, Digit hiện đã làm việc cùng với nhân viên nhà kho của Amazon, bên cạnh đội robot sẵn có. Nhiệm vụ của Digit là nhặt các thùng màu vàng rỗng ra khỏi kệ rồi vận chuyển chúng đến băng tải và cứ thế lặp đi lặp lại. Khác biệt của Agility so với các công ty cùng ngành là việc các robot hình người của họ đã sẵn sàng hoạt động trong tự nhiên. Đây cũng là yếu tố để Amazon đủ tin tưởng mua cổ phần của startup này vào năm 2022, một phần trong số tiền 180 triệu USD được Agility huy động cho đến nay.

Tiềm năng thay đổi thị trường làm việc

Một trong những lý do chính khiến các các ông lớn công nghệ quan tâm đến robot là tiềm năng giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trên toàn cầu. Theo Brett Adcock - CEO của Figure AI, vì không có đủ người thực hiện các công việc đơn giản nên thị trường sản xuất robot cho công việc mang tính lặp đi lặp lại là rất lớn. Nếu chúng ta có thể khiến robot làm những việc mà con người không muốn làm vì thiếu nhân lực, thì chúng ta có thể bán được hàng triệu người máy, có thể là hàng tỷ.

Nhận định của Adcock là có cơ sở, khi riêng ở Mỹ, có khoảng 10 triệu công việc trống, trong khi toàn thế giới dự báo thiếu 2 triệu công nhân ngành sản xuất vào năm 2030. Robot có thể giúp lấp đầy các vị trí này, nhất là những công việc nguy hiểm, độc hại và nhàm chán mà con người không muốn làm. Thực tế, không chỉ Amazon, nhiều công ty khác cũng đã triển khai robot trong các nhà máy và kho hàng. Tesla tuyên bố đã đưa 2 robot Optimus trong nhà máy và Musk nói chúng sẽ thực hiện được các nhiệm vụ tại nhà máy vào cuối năm nay.

Hiện, phần lớn ứng dụng của robot hình người trong đời sống đều xoay quanh lĩnh vực hậu cần, kho bãi và sản xuất - nơi chúng có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động và cải thiện năng suất. Thị trường lớn kế tiếp là ô tô, bán lẻ và cuối cùng là các thị trường như chăm sóc sức khỏe.

Hãy tưởng tượng tôi có thể cung cấp cho bạn một lực lượng lao động với chi phí chỉ bằng giá điện, ở mức vài xu/giờ cho mỗi robot và chúng còn được trang bị những loại trí thông minh phổ biến giống như trong phim khoa học viễn tưởng. Bất kể bạn là ai, chắc chắn sẽ có thứ mà bạn nghĩ rằng có thể được cải thiện đáng kể với chúng trong cuộc sống của mình.

Khởi Vũ

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/robot-hinh-nguoi-van-cuoc-moi-cua-cac-ong-lon-cong-nghe-312471.html