Ranh giới thực - hư quanh 'Hội chứng Stockholm'

'Hội chứng Stockholm' là một thuật ngữ phổ biến mô tả về sự đồng cảm của nạn nhân các vụ bắt cóc con tin với chính đối tượng bắt giữ mình. Nhưng đến nay, thế giới vẫn đang tranh cãi về câu chuyện mà từ đó hội chứng được đặt tên. Đó là một vụ cướp ngân hàng ở Thủ đô của Thụy Điển cách đây tròn 50 năm.

Nghi phạm Jan-Erik Olsson được đưa ra diễu phố sau 6 ngày cầm giữ con tin trong ngân hàng

Cuộc khủng hoảng con tin chưa có tiền lệ

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 23-8-1973 khi tội phạm Jan-Erik Olsson (32 tuổi) trong lúc được tạm tha đã bước vào một ngân hàng ở Norrmalmstorg, Stockholm và nổ súng với ý định cướp. Khi cảnh sát đến nơi, Jan-Erik đã khống chế 3 người làm con tin. Con số sau đó tăng thêm 1 người bởi 1 nhân viên ngân hàng khác được tìm thấy trong nhà kho. Tên cướp yêu cầu số tiền tương đương 700.000 USD (gồm cả tiền Thụy Điển lẫn ngoại tệ) đồng thời đòi thả Clark Olofsson - một bạn tù cũ của anh ta.

Kiểu khủng hoảng con tin có vũ trang này chưa từng xảy ra ở Thụy Điển. Chắc chắn cảnh sát không có kế hoạch chi tiết cho tình huống như vậy. Một trong những con tin tên là Kristin Enmark (23 tuổi) và là nhân viên ngân hàng đã kể với tờ New Yorker: “Tôi cứ nghĩ rằng một kẻ điên đã bước vào và điều đó chỉ có thể xảy ra ở Mỹ”. Trong nhiều ngày, Jan-Erik cải trang ngoại hình, nói tiếng Anh với giọng Mỹ nên cảnh sát đã không xác định được danh tính anh ta. Tuy nhiên, họ đã đưa người bạn tù Clark Olofsson đến ngân hàng. Tất nhiên, Clark Olofsson không phải là một tên cướp hay kẻ bắt giữ con tin nên trước khi cảnh sát để anh ta bước vào ngân hàng, họ đã thỏa thuận công việc của anh ta là giúp giải quyết tình hình để mọi người không thương và sẽ xem xét cho anh ta được giảm án.

Mọi chuyện tạm thời lắng xuống khi Clark đến và các con tin gồm Enmark, Birgitta Lundbland, Elisabeth Oldgren, Sven Safstrom được phép gọi điện thoại. Sau đó cảnh sát đã phạm phải một sai lầm đáng ngạc nhiên. Họ tin rằng nghi phạm là một tên cướp ngân hàng khét tiếng đã trốn thoát khỏi nhà tù. Họ cử anh trai của tên cướp ngân hàng đó cùng với một cảnh sát đi cùng để cố gắng bắt giữ kẻ đang khống chế con tin.

Trước tình huống đó, Jan-Erik bối rối bắn về phía những người lạ khiến họ vội vàng rút lui. Thực ra, tên cướp ngân hàng mà chính quyền Thụy Điển tin là đang ở bên trong thì đang lẩn trốn ở Hawaii. Quá tức giận trước cáo buộc trớ trêu ấy, kẻ bị “vu oan” kia đã gọi điện cho cảnh sát Thụy Điển để phản đối. Điều hài hước là chính vì hành động này mà anh ta lại bị bắt, dẫn độ và đưa trở lại nhà tù.

Súng bắn tỉa và phóng viên ảnh trên nóc tòa nhà đối diện ngân hàng bị cướp tại quảng trường Norrmalmstorg ở Stockholm, Thụy Điển hôm 24-8-1973

Sự ra đời của tên gọi “Hội chứng Stockholm”

Những rắc rối đó khiến cho không con tin nào hy vọng tình hình sẽ kết thúc êm đẹp. Dư luận của Thụy Điển cũng rơi vào cảnh rối bời. Cuộc khủng hoảng là vụ án phạm tội được truyền hình trực tiếp đầu tiên ở nước này với gần 3/4 dân số theo dõi lúc cao điểm. Vài ngày sau vụ cướp, cảnh sát đã khoan xuyên tường vào nhà kho, nhưng đã bị Jan-Erik bắn trả làm một người bị thương. Nghi phạm đe dọa sẽ giết con tin nếu cảnh sát xả hơi cay vào và thỉnh thoảng anh ta buộc các con tin phải đứng dậy với những nút thắt quanh cổ để cho cảnh sát bên ngoài nhìn thấy.

Bên trong, cả Jan-Erik và nữ nhân viên ngân hàng Enmark đều gọi điện cho Thủ tướng Thụy Điển Olof Palmme. Ông Olof Palmme đã dành gần 1 tiếng đồng hồ nói chuyện với con tin khi cô bày tỏ lo lắng mình có thể chết nếu chiến dịch giải cứu thất bại. Kristin Enmark thì nói với ông Palme rằng, cô sợ cảnh sát chứ không phải 2 tên tội phạm và kêu gọi chính quyền đáp ứng yêu cầu của chúng. Cuối cùng, 6 ngày sau cuộc khủng hoảng, cảnh sát đã xông vào ngân hàng bằng hơi cay bất chấp Jan-Erik đe dọa giết con tin.

Cuộc đối đầu kết thúc vào ngày 28-8 và 2 cảnh sát đã bị thương khi đột nhập. Nghi phạm bị bắt, người Thụy Điển không chỉ xem trên tivi mà còn tụ tập trên đường phố để theo dõi sự kiện. Nhà chức trách đã đưa Jan-Erik ra diễu phố trước đám đông để thể hiện nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc. Tuy nhiên, các con tin, đặc biệt là cô Enmark đã không cư xử theo tâm lý thông thường, họ chỉ trích cảnh sát và thân thiện với kẻ bắt giữ mình. Nhà tội phạm học kiêm bác sĩ tâm thần người Thụy Điển Nils Bejerot - người đã tư vấn cho cảnh sát trong cuộc khủng hoảng - gọi đó là “Hội chứng Norrmalmstorg”, thế giới gọi là “Hội chứng Stockholm”.

Nếu “Hội chứng Stockholm” được sử dụng để lý giải về diễn biến tâm lý bất thường, khó giải thích của con tin với chính kẻ bắt cóc mình thì ở vụ cướp ngân hàng Thụy Điện, điều này vẫn gây tranh cãi. Khi xem xét kỹ lưỡng sự kiện diễn ra tháng 8-1973, đặt mình vào địa vị Kristin Enmark là một phụ nữ trẻ mới 23 tuổi, đến Stockholm chưa lâu, trong khi cảnh sát mắc một loạt sai lầm, không khó để hiểu rằng tại sao con tin lại coi kẻ bắt cóc là sự lựa chọn an toàn. Thế giới đã nhanh chóng chấp nhận “lời giải thích” rằng, các con tin Thụy Điển về cơ bản đã bị đối tượng bắt cóc mê hoặc, cũng bởi người ta rất ít đề cập đến trải nghiệm của các con tin về sai lầm của nhà chức trách, hay việc nhà tâm lý Nils Bejerot chưa bao giờ gặp và điều trị cho con tin Kristin Enmark.

Nữ nhân viên ngân hàng 23 tuổi Kristin Enmark (1 trong 4 con tin) đã an toàn sau khi vụ việc kết thúc

Sự hòa trộn của yếu tố thực - hư

Từ điển Merriam-Webster định nghĩa “Hội chứng Stockholm” là “xu hướng tâm lý của một con tin muốn gắn bó, đồng cảm với kẻ bắt giữ mình”. Nhưng hội chứng này không có tên trong “Cẩm nang thống kê và chẩn đoán rối loạn tâm thần” của Hiệp hội sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ hay “Phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan”. Điều đó có nghĩa là nó chưa bao giờ đáp ứng các yêu cầu đánh giá nghiêm ngặt để được đưa vào và không có tiêu chuẩn chẩn đoán nào được xác định cho hội chứng nói trên.

Một số chuyên gia đặt câu hỏi, liệu đó có phải là một tình trạng tâm lý hay chỉ là một chiến lược sinh tồn - những lựa chọn hợp lý được một số người đưa ra khi họ đối mặt với nguy hiểm tột cùng? Ở Mỹ, một số chuyên gia thực thi pháp luật cho biết, hiện tượng này rất hiếm và được truyền thông đưa tin quá mức. Nhưng nó vẫn xuất hiện thường xuyên trong văn hóa đại chúng, bao gồm sách, phim ảnh và âm nhạc đồng thời đã đi vào từ điển tiếng Anh như một thuật ngữ không chính thức để chỉ những người tạo dựng mối quan hệ bất ngờ với những người đối xử tệ bạc với họ.

Một ví dụ điển hình là Natascha Kampusch, người Áo, bị bắt cóc vào năm 1998 khi mới 10 tuổi. Cô bị giam trong một căn phòng dưới lòng đất hơn 8 năm. Kẻ bắt giữ cô đôi khi tỏ ra tử tế, nhưng hắn cũng đánh đập và dọa giết cô. Natascha cuối cùng đã trốn thoát và kẻ bắt giữ cô đã tự sát. Khi nghe tin ông ta qua đời, Natascha đã “khóc không nguôi” khiến một số người tin rằng cô mắc “Hội chứng Stockholm”.

Nhưng trong một số trường hợp, có người bị kết luận mắc chứng bệnh này trong khi họ nhất quyết khẳng định là không. Ví dụ, một số chuyên gia đã lập luận rằng Elizabeth Smart - cô gái trẻ bị bắt cóc tại nhà ở Utah (Mỹ) vào năm 2002 - chắc chắn đã mắc “Hội chứng Stockholm” vì cô đã không chịu trốn thoát dù có cơ hội. Tuy nhiên, Smart đã nhiều lần lên tiếng khẳng định cô quyết định không trốn thoát vì những kẻ bắt giữ cô đe dọa sẽ giết cả gia đình nếu cô làm vậy. Cô không phản kháng là vì sợ hãi chứ không phải vì cô có thiện cảm với những kể đang giam giữ mình.

Cũng có trường hợp các cá nhân đã cố gắng sử dụng “Hội chứng Stockholm” để bào chữa trước tòa. Điển hình nhất là vụ Patty Hearst - cháu gái của doanh nhân và nhà xuất bản báo William Randolph Hearst - bị nhóm vũ trang ở Mỹ bắt cóc vào năm 1974. Trong thời gian bị giam cầm, cô đã từ gia đình, lấy một cái tên mới và cùng những kẻ bắt giữ mình đi cướp ngân hàng. Hearst cuối cùng đã bị bắt. Nhân vật này đã sử dụng “Hội chứng Stockholm” để tự bào chữa trước phiên tòa. Tuy nhiên, cô vẫn bị kết tội và bị kết án 35 năm tù vì bồi thẩm đoàn không tin rằng cô thực sự mắc “Hội chứng Stockholm”.

Theo Independent/AP

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ranh-gioi-thuc-hu-quanh-hoi-chung-stockholm-post553312.antd