Quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hàng chục dự án chậm tiến độ nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có hàng chục dự án bị thu hồi, ngoài ra, một số dự án đang được cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi. Nguyên nhân là do các dự án khi đã được chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng chủ đầu tư không triển khai các bước tiếp theo, như: giải phóng mặt bằng và làm thủ tục thuê đất theo quy định; một số chủ đầu tư đề nghị không tiếp tục thực hiện dự án theo quyết định phê duyệt; một số dự án đã triển khai thực hiện, song chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai…
Gần đây nhất, UBND tỉnh có quyết định hồi đất của Dự án xây dựng Đài Bắc Hotel, với gần 8.290m2 tại phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên). Nguyên nhân là do nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng để thực hiện Dự án liên tục trong 12 tháng, kể từ khi được bàn giao đất trên thực địa và không làm thủ tục gia hạn tiến độ Dự án theo quy định.
Đầu năm 2024, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các huyện, thành tiến hành rà soát các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai để tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh xử lý. Ngoài ra, đối với các chủ đầu tư không thực hiện dự án, tự nguyện trả lại đất, UBND tỉnh đã kịp thời rà soát và có quyết định thu hồi, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Cụ thể, ngày 27/5/2024, UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất của Công ty CP Đầu tư công nghiệp Thành Long, đơn vị trả lại hơn 17.500m2 tại xã Khe Mo (Đồng Hỷ). Trước đó, ngày 9/4/2024, Công ty CP Tập đoàn Baltic tự nguyện trả lại gần 58.800m2 đất tại xã Phủ Lý (Phú Lương) và giao cho UBND xã Phủ Lý quản lý.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt hoạt động hàng chục dự án chậm tiến độ, vi phạm các quy định về đầu tư. Trong đó có thể kể tên một số dự án, như: Dự án đầu tư Trung tâm thương mại và giới thiệu sản phẩm tại phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) của Công ty CP Tư vấn quốc tế và Xây dựng Hồng Phát (được cấp phép đầu tư tháng 12-2015); Dự án xây dựng khai thác tuyến đường thủy sông Cầu từ xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đến xã Hà Châu (Phú Bình) của Công ty TNHH An Thái (được cấp phép đầu tư tháng 8-2014); Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe và khu thể thao đa năng tại khu đất BX-04 và CC-01 thuộc Khu đô thị hồ Xương Rồng (TP. Thái Nguyên), của Công ty CP Đầu tư dịch vụ Hà Thái (được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 10-2014)…
Bên cạnh các dự án đã có quyết định thu hồi, chấm dứt hoạt động, UBND tỉnh cũng xem xét, ra quyết định chấm dứt hiệu lực văn bản cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đối với một số dự án khác. Cụ thể như: Dự án trồng rừng gỗ lớn năng suất, chất lượng cao kết hợp cây đặc sản, dược liệu dưới tán rừng tại xã Quy Kỳ (Định Hóa) của Hợp tác xã lâm nghiệp Hợp Lực; Dự án khu nhà ở xã hội tạị phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ; Dự án tổ hợp sản xuất máy móc, thiết bị công nông nghiệp, kho bãi chứa hàng, siêu thị Đại Phát tại xóm Đường, xã Cổ Lũng (Phú Lương) của Công ty TNHH Thiết bị Đại Phát; Dự án Khu đô thị An Phú tại phường Đồng Quang và Tân Thịnh (TP Thái Nguyên) của Công ty CP Đầu tư xây dựng Tân An Phú Thái Nguyên...
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc đưa ra quyết định thu hồi các dự án vi phạm, chậm tiến độ hiện gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Nguyên nhân là do phần lớn dự án đã được chủ đầu tư xây dựng, triển khai 1 phần, sau đó không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo. Vì vậy, khi thực hiện thu hồi dự án cần nhiều cơ quan liên quan phối hợp kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án không muốn bị thu hồi nên tìm nhiều lý do để né tránh.