Quy hoạch để phát triển đô thị vùng huyện Hà Nội văn minh, giàu bản sắc

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch) đang được xây dựng theo phép tích hợp theo Luật Quy hoạch.

Trong đó đã xác định 69 nội dung cần tích hợp gồm: 39 nội dung đề xuất về phương án phát triển ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất phương án phát triển cấp quận, huyện, thị xã. Để thực hiện, Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị Liên danh tư vấn xây dựng phương án phát triển và khẩn trương lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện để tích hợp vào Quy hoạch. Về phương án phát triển các huyện, nhiều ý tưởng mới được đưa ra và nhận nhiều góp ý xác đáng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, phát triển bền vững, văn minh và giàu bản sắc vùng ngoại thành Hà Nội.

Bài 1: Kỳ vọng về một trung tâm mới ở phía Nam Thủ đô

Vùng đất phía Nam Hà Nội gồm các huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Khu vực này được đánh giá có nhiều lợi thế và tiềm năng về nguồn lực để phát triển đô thị, từ đó giúp diện mạo đô thị của Thủ đô ngày càng đổi mới, hiện đại.

Lợi thế của vùng đất cửa ngõ
Hơn 10 năm trước, khu vực phía Tây, Bắc của Hà Nội được ưu tiên đầu tư phát triển với việc xuất hiện hàng loạt khu đô thị, nhà cao tầng, tuyến giao thông lớn.

Trong khi đó khu vực phía Nam TP gồm các huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức lại được ví như vùng trũng trong phát triển đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa chậm khi đất nông nghiệp còn khá nhiều, chiếm tỷ trọng từ 60 - 70% tổng diện tích tự nhiên của các huyện; tỷ lệ dân số đô thị còn thấp từ 2,6 - 7,8%; hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông chưa được kết nối đồng bộ…

Tuy nhiên, khu Nam Thủ đô được đánh giá sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Bởi khu vực này là một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng, khu vực trọng yếu trong kết nối liên tỉnh với hàng loạt tỉnh thành Vùng đồng bằng Bắc Bộ như: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình… Đây cũng là nơi tập trung nhiều loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đều là các tuyến huyết mạch Quốc gia (qua huyện Thường Tín, Phú Xuyên).

Đường vành đai 4 đang xây dựng đi qua các huyện Thường Tín, Thanh Oai. Tương lai sẽ có đường hàng không kết nối trong nước và quốc tế (dự kiến sau 2030).

Sơ đồ minh họa định hướng phát triển giao thông tại 5 huyện phía Nam Thủ đô.

Bên cạnh đó, tiềm năng về quỹ đất còn khá lớn, có nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động tạo ra địa bàn hấp dẫn thu hút đầu tư. Đặc biệt khu vực các huyện này có nhiều làng nghề và di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng: Hương Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai và lễ hội truyền thống chùa Hương quy mô quốc gia, có thể khai thác phục vụ du lịch.

Theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, phía Nam Hà Nội được định hướng có nhiều đô thị mới được quy hoạch hoặc mở rộng như đô thị vệ tinh Phú Xuyên (thị trấn Phú Xuyên, thị trấn Phú Minh, mở rộng thêm 9 xã của huyện Phú Xuyên và 5 xã của huyện Thường Tín). Các thị trấn Vân Đình, Thường Tín, Kim Bài, Đại Nghĩa đều được quy hoạch theo hướng đô thị sinh thái và mở rộng về quy mô. Phía bắc huyện Thanh Oai, dọc đường Cienco 5 đã hình thành nhiều khu đô thị mới.

Phát huy nguồn lực từ vùng văn hóa đặc biệt

Hà Nội đang xây dựng phương án phát triển toàn bộ 30 quận huyện để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó phương án phát triển 5 huyện phía Nam TP được nhiều chuyên gia, lãnh đạo sở, ngành, địa phương nhấn mạnh, quy hoạch cần tạo điều kiện để phát huy hết được tiềm năng, lợi thế của khu vực. Nhất là phát triển hệ thống giao thông một cách bài bản để không chỉ mang đến những giá trị về giao thương mà còn nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư về phát triển đô thị.

Phó Giám đốc Sở QH - KT Trần Quang Tuyên đánh giá, các huyện phía Nam Thủ đô có lợi thế đặc biệt khi hạ tầng gắn với cả đường sắt Bắc - Nam, đường bộ cao tốc, đường thủy trục sông Hồng, Vành đai 4 và trong tương lai là sân bay thứ hai vùng Thủ đô Hà Nội.

Do đó, phương án quy hoạch tới đây cần nghiên cứu, xác định đây là những động lực để phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, đô thị tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai.

Về phương án phát triển giao thông tại khu vực các huyện phía Nam, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đề xuất, quy hoạch đường sắt đô thị kết hợp mật thiết với hệ thống đường bộ, tạo hình thái ô bàn cờ để làm tốt mô hình TOD, kết hợp với khai thác không gian ngầm. TP nên kiến nghị T.Ư cho triển khai tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên vì đã có hai nhà ga đầu cuối. Về cảng đường sông, đề nghị đơn vị tư vấn đề xuất nâng công suất cảng Hồng Vân lên 2,5 triệu tấn/năm để phối hợp đồng bộ với vận tải logictic khu vực Vành đai 4, tuyến đường sắt Bắc Nam, ga Ngọc Hồi.

Bên cạnh lợi thế về tuyến giao thông, các huyện phía Nam còn có tiềm lực rất lớn về văn hóa để phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội. Nhiều làng nghề và di tích lịch sử, văn hóa như trục văn hóa, tâm linh Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai…

Có thể nói, khu vực 5 huyện phía Nam Thủ đô tuy là vùng trũng, nhưng trong lịch sử lại là nơi phát triển đầu tiên và có những đóng góp đầu tiên trong nền văn minh sông Hồng. Đặc biệt hơn khi sau khởi nghĩa, Lý Bí giành chủ quyền và duy trì nhà nước Vạn Xuân đến tận sau này… Đây chính là cơ sở để Lý Thái Tổ dựng kinh đô Thăng Long theo hướng tựa núi, nhìn sông… Chính nó là nguồn lực tạo nên sự phát triển kinh tế của kinh đô Thăng Long và chính nơi này cũng là chiến trường để bảo vệ kinh đô Thăng Long.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc -Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, đây là vùng có di tích đậm đặc nhất, tất cả các anh hùng kiệt xuất của dân tộc đều có liên quan đến vùng đất này. Cả về kinh tế, văn hóa, xã hội… nơi này đều rất oanh liệt, song cái yếu là thiếu sự liên kết, kết nối giao thông không thuận lợi, giao thông thủy không được coi trọng…

“Chúng ta cần phải tính nhiều tầng kết nối để huy động cao độ điều kiện sẵn có cho sự phát triển. Có như vậy mới làm tốt việc bảo tồn văn hóa, từ đó phát triển công nghiệp văn hóa, làm nền tảng phát triển du lịch” - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho rằng, để phát huy mọi tiềm năng, tạo điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa, TP Hà Nội cần kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch thoát lũ sông Hồng. Từ đó có quỹ đất vùng bãi sông Hồng hình thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, thể dục thể thao, làm sân golf, khôi phục truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử, kết hợp với Văn Từ Thượng Phúc là nơi tôn vinh truyền thống khoa bảng đất danh hương, anh hùng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, các huyện phía Nam

Hà Nội đang hiển hiện về nguồn lực văn hóa vô cùng lớn. Do đó, trong Quy hoạch Thủ đô tới đây, đơn vị tư vấn khi xây dựng phương án phát triển các huyện để tích hợp vào quy hoạch, bên cạnh vấn đề đầu tiên đề cập là sự kết nối, còn cần xác định ưu tiên những vấn đề văn hóa để tạo nguồn lực phát triển vùng đất đặc biệt này.

Các huyện cùng đơn vị tư vấn chú trọng làm rõ những luận chứng vì sao phải ưu tiên phát triển cho vùng văn hóa đặc biệt này. Để qua đó toát lên những ý tưởng mới, những khát vọng lớn hơn để phát huy tốt nhất nguồn lực để xây dựng phát triển Thủ đô.
(Còn nữa)

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-de-phat-trien-do-thi-vung-huyen-ha-noi-van-minh-giau-ban-sac.html