Quy hoạch Bà Rịa – Vũng Tàu hướng tới 'Hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt'

Với quy hoạch mới, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định được các định hướng, tư duy đột phá để phát triển tỉnh xứng đáng là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng và cả nước với phương châm 'Đột phá – Năng động – Sáng tạo – Bền vững'.

Trên cơ sở đó, xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của Quốc gia, đến 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

Sáng 16/2, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra. Hội nghị do Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cùng các thành viên, ủy viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tham gia.

Quy hoạch Bà Rịa – Vũng Tàu để phát huy vai trò một trong bốn cực phát triển vùng Đông Nam Bộ

Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Đức Trung)

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác quy hoạch hết sức quan trọng, luôn đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và Quốc gia. Quy hoạch đúng chúng ta sẽ tổ chức lại không gian, cơ cấu lại nền kinh tế cũng như phân bổ lại nguồn lực.

“Nếu chúng ta lựa chọn quy hoạch đúng thì sẽ phát triển nhanh và bền vững, nếu chọn sai thì vừa mất thời gian và nguồn lực nhưng quan trọng hơn là mất đi cơ hội. Do đó, Bà Rịa – Vũng Tàu cần quy hoạch để phát huy được vai trò đi đầu, dẫn dắt của cả vùng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, với hệ thống cảng biển, Bà Rịa - Vũng Tàu phải xác định được vai trò trụ cột trong lĩnh vực này không chỉ của vùng Đông Nam Bộ mà còn cả Tây Nam Bộ. Ngoài dầu khí, Bà Rịa – Vũng Tàu còn rất nhiều về cơ hội công nghiệp năng lượng, logistics, cùng một số ngành, lĩnh vực khác để tổ chức thành khu vực cạnh tranh, năng động để phát triển.

Đồng thời, Bà Rịa – Vũng Tàu cần xác định là một trong 4 vùng trọng điểm của phía Nam cùng với TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. “Tất cả điều này đều hoàn toàn phụ thuộc vào câu chuyện quy hoạch. Quy hoạch tỉnh sẽ giúp Bà Rịa – Vũng Tàu khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đóng góp nhiều hơn cho vùng, để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành vùng động lực của đất nước, để xứng đáng với vai trò mà quy hoạch mới đem lại” – Bộ trưởng cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh tin tưởng Quy hoạch tỉnh sẽ giúp địa phương đạt các mục tiêu đề ra (Ảnh: Đức Trung)

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, nhìn chung việc lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tỉnh thực hiện tuân thủ quy trình lập quy hoạch tỉnh tại khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Điểm nổi bật của Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, định hướng mới tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch đã xác định được các định hướng, tư duy đột phá để phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xứng đáng là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng và của cả nước.

“Thực hiện phương châm phát triển “Đột phá - Năng động - Sáng tạo - Bền vững”, xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia; đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức; phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ với các điểm nhấn phát triển chủ yếu” – Bí thư Phạm Viết Thanh thông tin.

Bà Rịa – Vũng Tàu hướng tới sự phát triển năng động và bền vững

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định rõ 4 khâu đột phá, đưa tỉnh xứng đáng là cửa ngõ biển của vùng và Quốc gia, phát triển toàn diện, năng động, xanh và bền vững (Ảnh: HNV)

Báo cáo khái quát về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Tỉnh xác định tập trung hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; hình thành Khu thương mại tự do và trung tâm logistics Cái Mép Hạ; phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; phát triển các tổ hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ quy mô lớn tại thành phố mới Phú Mỹ, thu hút đầu tư các dự án hóa dầu, hạ nguồn hóa dầu, điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo… Tiếp tục phát triển Côn Đảo hoàn thiện mô hình khu du lịch quốc gia, trở thành đô thị du lịch sinh thái biển đảo. Tạo lập môi trường sống an toàn, trong lành, có chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, trung hòa cac-bon và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.

Đặc biệt, cũng theo Chủ tịch Nguyễn Văn Thọ, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới sự phát triển năng động và bền vững, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố then chốt: “Hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt”.

Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Đức Trung)

Báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng cho rằng, Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khoa học và cơ bản đáp ứng yêu cầu được quy định tại pháp luật về quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời phù hợp với các chính sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1442/QĐ-TTg/QĐ-TTg ngày 23/9/2020.

Dịp này, Vụ trưởng Đinh Trọng Thắng cũng đề xuất, tỉnh vẫn cần kết cấu lại báo cáo quy hoạch tỉnh trên cơ sở bám sát nội dung quy hoạch tỉnh được quy định tại Điều 27 của Luật Quy hoạch và Điều 28 của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, đồng thời xem xét kỹ hơn về các đề xuất, kiến nghị tại Quy hoạch tỉnh như đẩy nhanh đầu tư các hạ tầng kết nối tỉnh với Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm cả tuyến đường sắt; xem xét điều chỉnh phân bổ các chỉ tiêu đất cho tỉnh để tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng.

Vụ trưởng Đinh Trọng Thắng nhấn mạnh, cần xác định một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng biển, đảo cũng như gắn kết các hành lang kinh tế của tỉnh với các hành lang kinh tế Quốc gia, hành lang kinh tế ven biển; mở rộng không gian phát triển các ngành, lĩnh vực giữa tỉnh với các TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Thuận và với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên…

Trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, các chuyên gia kinh tế, đại biểu đại diện bộ, ngành cũng thống nhất cao rằng, quy hoạch tỉnh cần rà soát, xây dựng phương án phát triển khu công nghiệp; bổ sung phương hướng phát triển đường dây 110 kV; bổ sung sơ đồ, bản đồ lưới điện trên địa bàn tỉnh. Rà soát, cập nhật lộ trình đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh; làm rõ cơ sở của việc quy hoạch Quốc lộ 56 trên địa bàn tỉnh được tách thành 02 đoạn với quy mô khác nhau. Lưu ý cập nhật đối với các bến cảng quy hoạch mới tại Cái Mép Hạ, hạ lưu Cái Mép Hạ và các khu vực phát triển mới khác để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chuyên ngành hàng hải; cập nhật lại tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh; ưu tiên bố trí các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất dọc theo các tuyến đường thủy nội địa kết nối với các cảng biển trong khu vực nhằm khai thác hiệu quả, tối ưu vận tải đa phương thức.

Thảo luận chi tiết thêm tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhiều dư địa để phát triển, do đó, tỉnh cần khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương, trong đó lưu ý quy hoạch phải kết nối với sân bay Long Thành và phát triển du lịch Côn Đảo theo hướng trở thành trung tâm du lịch và hải dương của cả nước.

Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh tập trung thực hiện 4 đột phá phát triển: (1)- Hoàn thành các tuyến giao thông kết nối vùng và liên vùng, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển để kết nối thuận lợi với quốc tế, bảo đảm cho Bà Rịa - Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia. Phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Cầu Phước An, Cảng hàng không Côn Đảo; thúc đẩy các thủ tục, triển khai đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu. (2)- Hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế. (3)- Hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế. (4)- Hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng; bố trí không gian phát triển tỉnh theo 4 vùng chức năng: (i) Công nghiệp - cảng biển; (ii) Du lịch, (iii) Nông nghiệp cân bằng sinh thái và (iv) Vùng biển - hải đảo. Trên cơ sở phân vùng chức năng, tập trung phát triển theo 3 trục động lực: Trục động lực phát triển dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; Trục động lực phát triển mới dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; Trục động lực kinh tế du lịch ven biển, dọc đường Tỉnh lộ 994, trục kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

(Nguồn: Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050)

Hà Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/quy-hoach-ba-ria-vung-tau-huong-toi-ha-tang-tot-moi-truong-tot-nhan-luc-tot-631737.html