Quy định mới về nuôi, trồng, thu hoạch cây dược liệu trong rừng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 183/2025/NĐ-CP ngày 01/7/2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Một trong những nội dung trọng tâm của Nghị định 183 là việc bổ sung Mục 4a (sau Mục 4, Chương II) quy định riêng về hoạt động nuôi, trồng, phát triển và thu hoạch cây dược liệu trong các loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Nội dung này bao gồm các quy định về hình thức, phương thức và nội dung phương án; quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án đối với các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; cũng như quy định việc cho thuê môi trường rừng đối với các tổ chức nhằm phục vụ hoạt động này.
Theo quy định, hoạt động nuôi, trồng và thu hoạch cây dược liệu trong rừng phải đảm bảo duy trì diện tích rừng, chất lượng rừng, diễn thế tự nhiên và mục đích sử dụng của khu rừng; không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước đối với rừng và tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất, dưới lòng đất.

Các loài cây dược liệu được phép nuôi trồng trong rừng phải có đặc điểm sinh thái phù hợp với điều kiện lập địa của khu vực, đồng thời thuộc danh mục cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc các loại cây do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, dựa trên điều kiện thực tiễn của địa phương.
Nghị định nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động nuôi trồng để khai thác dược liệu tự nhiên trong rừng. Các sản phẩm sau khi thu hoạch phải được vận chuyển ra khỏi rừng, không được phép thực hiện các hoạt động như ngâm, ủ, sấy, bảo quản hay chế biến trực tiếp trong khu vực rừng.
Đối với những loài cây dược liệu thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm, việc khai thác và cấp mã số cơ sở trồng cấy phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, cũng như Công ước CITES về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.
Đối với rừng sản xuất là rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư, chủ rừng có quyền tự quyết định việc nuôi, trồng và thu hoạch cây dược liệu. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, không được thay đổi mục đích sử dụng rừng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, các tổ chức là chủ rừng được quyền tự tổ chức thực hiện, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để thực hiện hoạt động nuôi trồng, thu hoạch cây dược liệu.
Việc triển khai phải dựa trên phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững. Tương tự, chủ rừng là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân cũng được quyền tự tổ chức hoặc hợp tác, liên kết với các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện phương án đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng và thu hoạch cây dược liệu không được phép triển khai tại các khu vực: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; các vùng rừng phòng hộ đầu nguồn có độ dốc trên 30 độ; khu vực bờ biển bị xói lở thuộc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.
Trường hợp đặc biệt triển khai tại vùng rừng phòng hộ đầu nguồn có độ dốc trên 30 độ, cần có báo cáo đánh giá chi tiết của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường hoặc Chủ tịch UBND cấp xã. Căn cứ vào đánh giá này, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, chấp thuận trước khi phê duyệt phương án theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 32đ và Điểm đ Khoản 3 Điều 32e của Nghị định.
Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên hoặc rừng trồng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, chủ rừng là tổ chức có thể tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng cây dược liệu, trên cơ sở phương án đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chủ rừng là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân cũng được quyền hợp tác hoặc tự tổ chức triển khai hoạt động này. Nghị định khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tổ chức theo nhóm để xây dựng và thực hiện phương án, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khả năng tiếp cận chính sách.
Đối với rừng đặc dụng, cây dược liệu có thể được trồng phân tán hoặc theo đám, nhưng phải đảm bảo phân bố đều trong lô rừng, đồng thời diện tích nuôi trồng không vượt quá một phần ba tổng diện tích của lô rừng.
Đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất, việc nuôi trồng cây dược liệu sẽ được thực hiện theo phương thức sản xuất lâm - nông - ngư nghiệp kết hợp, theo quy định tại Điều 25 và Điều 30 của Nghị định.
Chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng được toàn quyền quyết định thời điểm và phương thức thu hoạch cây dược liệu đã được trồng, trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định hiện hành và phương án đã được phê duyệt.
Nghị định số 183/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2025. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành dược liệu một cách bền vững, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ rừng và phát triển sinh kế cho người dân, đặc biệt tại các khu vực trung du, miền núi.