Hà Nội: Nhiều người làm thủ tục đất đai, xây dựng tuần đầu sáp nhập

Theo ghi nhận, người dân tại các phường, xã tại Hà Nội sau sáp nhập chủ yếu đến làm hồ sơ, xin hướng dẫn liên quan thủ tục hành chính đất đai, xây dựng.

Xếp hàng làm hồ sơ đất đai

Ngày 4/7, ghi nhận tại điểm dịch vụ hành chính công xã Thanh Trì kết hợp Trung tâm dịch vụ hành chính công TP Hà Nội - chi nhánh số 11, đa số người dân đến để làm thủ tục, hồ sơ liên quan đất đai.

Người dân xã Thanh Trì làm thủ tục hành chính sau ngày sáp nhập.

Người dân xã Thanh Trì làm thủ tục hành chính sau ngày sáp nhập.

Theo bà Nguyễn Thị Vuông (xã Ngọc Hồi), hôm nay, bà quay lại để nộp các loại giấy tờ, đóng thuế để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Bà làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ từ năm 2008, tuy nhiên hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên không có tiền nộp thuế. Từ năm 2008, gia đình cũng quên bẵng chuyện nhận lại sổ đỏ.

"Diện tích cấp sổ của nhà tôi là 266m2, lần này lên phải nộp thuế, phí trước bạ cũng như tiền phạt hơn 500 triệu đồng. Tôi thấy sau khi sáp nhập, thủ tục hành chính dễ chịu hơn, cán bộ nhiệt tình hướng dẫn nên hồ sơ làm cũng nhanh. Gia đình chúng tôi mong muốn sớm nhận được sổ đỏ, không còn cảnh thấp thỏm khi sống trên chính mảnh đất của mình", bà Vuông chia sẻ.

Trò chuyện với PV, ông Nguyễn Đình Đàm (SN 1959, xã Đại Thanh) cho hay, ông được hướng dẫn đầy đủ hồ sơ để gia hạn diện tích hơn 200m2 đất nông nghiệp. Cụ thể, từ tầng 1, ông được hướng dẫn ghi các loại tờ khai, sau đó lên tầng 2 lấy số thứ tự, chờ đến lượt tiếp nhận hồ sơ.

Hà Nội bác tin điểm chuẩn lớp 10 lan truyền trên mạng

Hà Nội chỉ đạo xử lý tình trạng xây dựng trái phép tại phường Định Công

Tiền điện tháng 6 tăng đột biến, EVN Hà Nội nói gì?

Ông Trần Văn Trường (SN 1965, xã Thanh Trì) bảo, đang ngồi đợi đến lượt làm hồ sơ đính chính sổ đỏ.

"Nhiều năm trước, khi cấp sổ đỏ, do lỗi kỹ thuật nên diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất vườn lâu dài thành đất ở nông thôn của nhà tôi bị thiếu chiều dài các cạnh. Diện tích nhà tôi có gần 40m2 thôi, nhưng để yên tâm, tôi xin được đính chính trên sổ cho đúng quy định", ông Trường nói.

Ông Trường đánh giá, thủ tục hành chính sau sáp nhập tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, do người dân đến quá đông nên mất khá nhiều thời gian chờ đợi.

Tại phường Hoàng Liệt, nơi từng là đơn vị hành chính có dân số đông nhất TP Hà Nội, đông người dân tìm đến điểm phục vụ hành chính công làm các thủ tục về đất đai…

Bà Ngô Thị Thanh (SN 1965) cho biết, vốn là cư dân xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (cũ). Sau khi sáp nhập, gia đình bà Thanh trở thành công dân phường Hoàng Liệt. Hôm nay, bà quay lại phường làm thủ tục đóng thuế đất.

"Hôm trước, tôi đến được cán bộ phường hướng dẫn các loại giấy tờ phải làm. Sau khi về hoàn thiện, tôi quay lại nộp đơn và xin đóng bù khoản thuế đất nợ 10 năm qua. Do đất ông cha để lại, 3 chị em tôi cùng sinh sống nên trước giờ không ai để ý giấy tờ. Tôi thấy, dù phải đi xa hơn một chút nhưng cán bộ thân thiện, hướng dẫn cặn kẽ, dễ hiểu nên những người có tuổi như chúng tôi vẫn làm được", bà Thanh chia sẻ.

Thủ tục hành chính người dân quan tâm nhiều nhất thuộc các lĩnh vực kinh tế - hạ tầng - đô thị.

Thủ tục hành chính người dân quan tâm nhiều nhất thuộc các lĩnh vực kinh tế - hạ tầng - đô thị.

Nỗ lực phục vụ từng người dân

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Đàm Mạnh Thi, Phó chánh văn phòng UBND xã Thanh Trì khẳng định, tuần đầu tiên sau sáp nhập, mọi thứ đều hoạt động trơn tru, thông suốt.

Những ngày qua, xã Thanh Trì giải quyết 101 lượt thủ tục hành chính cho người dân. Trong đó, các thủ tục về hộ tịch, chứng thực được giải quyết thành công 100%. Riêng lĩnh vực đất đai, có 10 hồ sơ chưa được tiếp nhận do người dân chưa chuẩn bị đủ, hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn.

Người dân đánh giá cao năng lực, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập.

Người dân đánh giá cao năng lực, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập.

Vẫn theo ông Thi, trụ sở xã (vốn là Huyện ủy Thanh Trì cũ) đang hoạt động song song, Trung tâm dịch vụ hành chính công TP Hà Nội - chi nhánh số 11 và điểm dịch vụ hành chính công xã Thanh Trì. Do diện tích nhỏ hẹp, lượng công dân các xã lân cận vẫn đến làm thủ tục nên có phần quá tải.

"Do mới hoạt động, chúng tôi tạm thời hoạt động song song. Đây cũng là một phần bất cập sau quá trình sáp nhập. Tới đây, chúng tôi xin hướng dẫn từ cấp trên để điều chỉnh thủ tục tiếp nhận hành chính. Quan điểm xuyên suốt ngày từ khi sáp nhập là mỗi cán bộ phải nỗ lực, phục vụ người dân chu đáo nhất", ông Thi nói.

Chiều 4/7, UBND phường Hoàng Liệt tổ chức cuộc họp đánh giá sơ bộ về công tác chuyên môn sau sáp nhập. Phó chánh văn phòng UBND phường Hoàng Liệt, ông Hoàng Nguyên cho hay, từ ngày 1/7 đến nay, phường đã tiếp nhận giải quyết 179 hồ sơ các loại của 171 lượt công dân. Trong đó, chủ yếu là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh tế - hạ tầng - đô thị.

Ông Nguyên đánh giá, sau một tuần sáp nhập, hoạt động tiếp nhận hồ sơ của người dân diễn ra tương đối trơn tru. Tuy nhiên, vẫn còn một số thủ tục như đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận lần đầu hay hệ thống thông tin của thành phố còn trục trặc, chưa thông suốt dẫn đến thắc mắc của người dân.

Ghi nhận tại phường Định Công, trong những ngày qua, đơn vị đã tiếp nhận 335 lượt đăng ký làm hồ sơ hành chính. Trong đó, hồ sơ chủ yếu là các lĩnh vực như hộ tịch, địa chính - xây dựng, đăng ký kinh doanh…

Ông Nguyễn Sỹ Phong, Phó chủ tịch UBND phường Định Công thông tin, ngày từ ngày đầu sáp nhập, đã bố trí đầy đủ công chức làm công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính. Đến nay, mọi việc diễn ra hiệu quả, thông suốt, đúng quy định.

"Đánh giá chung, công chức làm công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại phường đáp ứng năng lực, trình độ chuyên môn. Người dân đến làm việc cũng đánh giá cán bộ, công chức luôn có thái độ phục vụ hòa nhã, vui vẻ", ông Phong nói.

Kế Toại

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-noi-nhieu-nguoi-lam-thu-tuc-dat-dai-xay-dung-tuan-dau-sap-nhap-192250704173859776.htm