Quốc hội thảo luận về cấm lái xe khi đã uống rượu bia, gắn thiết bị giám sát hành trình
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 24/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Chính phủ, việc xây dựng Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trước đó, thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.
Về đấu giá biển số xe ô tô, một số ý kiến cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều nhưng bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này; do đó, đề nghị sớm được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Một số ý kiến khác đề nghị phải thực hiện đủ thời gian thí điểm để có đầy đủ cơ sở đánh giá, tổng kết và báo cáo, đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật tại kỳ họp đầu năm 2026.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe ngay trong dự thảo Luật để đảm bảo tính minh bạch và giá trị pháp lý, tương thích với Công ước viên 1968 và thống nhất với việc phân loại xe cơ giới.
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vì cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước hiện nay đang thực hiện.
Về sát hạch giấy phép lái xe, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quản lý nhà nước sau sát hạch giấy phép lái xe; đồng thời, bổ sung quy định về kiểm tra bất thường đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đảm bảo chặt chẽ.
Về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải (không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ) vì sẽ làm tăng chi phí logistic, chi phí lao động của doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đối với các thị trường khác…
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định về quy tắc giao thông liên quan đến ưu tiên, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người khuyết tật; điều chỉnh, bổ sung các quy tắc giao thông cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và sự phát triển của các loại hình giao thông mới hiện nay…
Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật này, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề, từ phạm vi điều chỉnh của Luật, đến các quy định về cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, về gắn thiết bị giám sát hành trình, giấy phép lái xe…