Quảng Trị hướng đến là trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực

Đây là nội dung của Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh công bố chiều ngày 6/7.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh, hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư là dịp để tỉnh công bố rộng rãi quy hoạch để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Cùng với đó thể hiện sự kỳ vọng phát triển cũng như cam kết của tỉnh nhằm tăng cường các mối quan hệ hợp tác, phát triển tin cậy và thực chất giữa chính quyền tỉnh Quảng Trị với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như sự tham gia, đóng góp của toàn thể nhân dân tỉnh nhà vì lợi ích chung.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Ảnh VGP.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Ảnh VGP.

Xác định rõ vai trò, ý nghĩa của công tác quy hoạch, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai nghiêm túc việc lập quy hoạch theo phương pháp mới và xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt.

Theo ông Võ Văn Hưng, để xây dựng Quy hoạch, Quảng Trị đã hợp tác với các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và uy tín quốc tế, giúp tỉnh định hình được bức tranh toàn cảnh phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tính toán bố trí cân xứng, hài hòa cả trong tỉnh và khu vực đặt trong tổng thể Quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả, bền vững, tạo ra những nét "riêng có" của tỉnh Quảng Trị.

Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới

Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng, quy hoạch tỉnh Quảng Trị đã mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn.

Để hoàn thành mục tiêu quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh triển khai quy hoạch với chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, cùng với đó là đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, đặc biệt là hoàn thành cảng hàng không Quảng Trị và cảng nước sâu Mỹ Thủy.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư. Ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần phát triển hệ thống đô thị, nghiên cứu mở rộng không gian phát triển Khu kinh tế Đông Nam, gắn kết với các khu vực thuận lợi phát triển dọc hành lang đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dọc quốc lộ 15D.

Xây dựng Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch tổng hợp, hướng tới hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo, Việt Nam và Lào.

Phó Thủ tướng gợi ý Quảng Trị cần khai thác lợi thế sẵn có về du lịch, xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng về lịch sử, văn hóa ở khu vực miền Trung. Xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ chiến tranh, ký ức chiến tranh, khát vọng hòa bình.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “chia sẻ tầm nhìn và hành động”; “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”.

Đối với các Bộ, ngành trung ương và các địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Phó Thủ tướng yêu cầu giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Quảng Trị; sẵn sàng cùng Quảng Trị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính.

Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 4.400 tỷ đồng; trao chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho 2 dự án PPP với tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng và 5 dự án được trao chủ trương nghiên cứu, khảo sát đề xuất dự án.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh VGP.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh VGP.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức các hoạt động bên lề hội nghị như: tổ chức không gian trưng bày thông tin, tài liệu giới thiệu tóm tắt về quy hoạch tỉnh, hệ thống bản đồ quy hoạch tỉnh, các dự án động lực thu hút đầu tư của tỉnh; không gian trưng bày các thông tin, tài liệu, hình ảnh giới thiệu thiên nhiên, văn hóa, mảnh đất, con người tỉnh Quảng Trị; quảng bá về hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh; không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Quy hoạch đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Quảng Trị đạt 8,2%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140 - 170 triệu đồng/người.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mekong (GMS).

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ.

Các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện theo quy hoạch là xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng sạch của miền Trung vào năm 2030; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng và hiệu quả, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ; bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học; củng cố quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế.

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/qua-ng-tri-huong-den-la-trung-tam-hau-can-va-trung-chuyen-hang-hoa-cua-khu-vuc-30905.html