Quảng Ninh: Mục tiêu xây dựng Uông Bí trở thành thành phố Di Sản

Ngày 6/7, UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh cùng Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: 'Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí, trong định hướng phát triển bền vững thành phố Uông Bí'.

Uông Bí sở hữu nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đã khái quát những nét nổi bật về kho tàng di sản văn hóa của vùng đất Uông Bí.

Là địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể nhiều tiềm năng như hệ thống các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, di tích cấp tỉnh và những lễ hội truyền thống mang đặc trưng tín ngưỡng vùng miền, Uông Bí được biết đến như trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh. Hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Uông Bí đã hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng, riêng có. Uông Bí là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, gắn liền với văn hóa Phật giáo Trúc Lâm, chiến thắng Bạch Đằng năm 938, hay những câu chuyện về doanh nhân đầu tiên của nước Việt - cụ Bạch Thái Bưởi.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học. Ảnh: Tiến Dũng.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học. Ảnh: Tiến Dũng.

Uông Bí là một thành phố trẻ, nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Ninh, được Thủ tướng Chính Phủ quyết định thành lập thành phố ngày 25/2/2011 trên cơ sở từ thị xã Uông Bí, với diện tích tự nhiên là 256,3km2, dân số trên 250.000 người. Uông Bí nằm trong vùng tam giác động lực phát triển miền Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Uông Bí là đô thị loại II, đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và được kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị kiểu mẫu, phát triển nhanh và bền vững ở phía Tây của Tỉnh Quảng Ninh - vùng Đông Bắc Việt Nam.

Về di sản văn hóa vật thể, trên địa bàn thành phố Uông Bí hiện có 31 di tích nằm trong danh mục của tỉnh, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 22 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Các di tích này đều gắn với những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân bản địa nơi đây.

Cùng với đó, hiện trên địa bàn thành phố có 32 di sản văn hóa phi vật thể trong đó có 6 loại hình gồm: 08 di sản Tập quán xã hội; 06 di sản Nghệ thuật trình diễn dân gian; 05 di sản Lễ hội truyền thống; 05 di sản Ngữ văn dân gian; 07 di sản Tri thức dân gian và 01 di sản Tiếng nói, chữ viết.

Xác định di sản văn hóa là tài sản quý giá, là cầu nối giữa sinh hoạt văn hóa với cộng đồng dân cư, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền. Vì vậy, những năm qua, Uông Bí đã tập trung đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương. Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hướng tới phát triển kinh tế du lịch...

Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.D

Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.D

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá: “Thành phố Uông Bí được xác định là trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh, có vị trí, vị thế và vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh và khu vực. Uông Bí là mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời, đa dạng và đặc sắc, với sự góp mặt, hội tụ của nhiều yếu tố, giá trị văn hóa của các dân tộc khác nhau. Đặc biệt, vùng đất Uông Bí đã sớm hình thành một trung tâm văn hóa Phật giáo tại Yên Tử, không chỉ có ý nghĩa đối với quá trình hình thành và phát triển văn hóa của Uông Bí, mà còn có ý nghĩa tạo dựng, thúc đẩy sự phát triển văn hóa tâm linh của cả nước. Uông Bí không chỉ là cái nôi của Phật giáo Trúc Lâm, trong thời kỳ cận hiện đại nơi đây là nơi hình thành và phát triển của đội ngũ công nhân Việt Nam. Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa, Uông Bí hiện còn có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng, ghi dấu lịch sử ngành than, lịch sử hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam cũng như lịch sử đấu tranh cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Bảo tồn gắn với phát triển du lịch bền vững

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm rõ hơn về những nét đặc trưng văn hóa của Uông Bí từ góc nhìn tài nguyên du lịch và chia sẻ về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững trong sự liên kết giữa các địa phương. Bên cạnh đó, sáng tạo các gói sản phẩm du lịch đặc thù tạo sức hút với khách đến thăm các di tích lịch sử - văn hóa ở Uông Bí. Trong đó, tập trung vào bảo tồn và khai thác giá trị của Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

Lễ hội Đình - Chùa Lạc Thanh là 1 lễ hội truyền thống có từ lâu đời tại TP Uông Bí. Ảnh: Thế An.

Lễ hội Đình - Chùa Lạc Thanh là 1 lễ hội truyền thống có từ lâu đời tại TP Uông Bí. Ảnh: Thế An.

Thông qua hội thảo sẽ làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và trên địa bàn TP Uông Bí nói riêng, nhất là làm rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục, đồng thời, phân tích, đánh giá khách quan, khoa học để khẳng định tầm quan trọng, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc của các di sản văn hóa tại Uông Bí.

Tại Yên Tử, một số hạng mục dịch vụ du lịch cao cấp đã được hình thành. Ảnh: Tiến Dũng.

Tại Yên Tử, một số hạng mục dịch vụ du lịch cao cấp đã được hình thành. Ảnh: Tiến Dũng.

Từ đó, bổ sung, tổng hợp khái quát có hệ thống, các tư liệu liên quan, làm sáng tỏ cơ sở khoa học giúp cho các nhà quản lý xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh gắn với bảo tồn, gìn giữ, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lưu ý TP Uông Bí cần quan tâm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để tăng cường ứng dụng chuyển đổi số với các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, thực tế tăng cường (VR/AR) trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa địa phương trong bối cảnh hội nhập và sẵn sàng chuẩn bị một tâm thế vững vàng, một kế hoạch chiến lược tổng thể khi Yên Tử được vinh danh là di sản thế giới, từ đó phấn đấu xây dựng thành phố Uông Bí trở thành thành phố Di Sản trong tương lai.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài thành phố về giá trị của các di sản, từ đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trên địa bàn thành phố Uông Bí; đồng thời, định hướng, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa trên địa bàn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, điểm đến độc đáo, hấp dẫn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hiện TP Uông Bí đang phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh xây dựng kế hoạch tổ chức đón tiếp Đoàn chuyên gia của Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) về thẩm định, đánh giá quần thể di tích danh thắng Yên Tử vào đầu tháng 8/2024, làm tiền đề quan trọng cho việc công nhận Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thể giới trong thời gian tới.

Thế An - Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-muc-tieu-xay-dung-uong-bi-tro-thanh-thanh-pho-di-san-154449.html