Quảng Ngãi: Xã hội hóa trường đại học không lắng nghe ý kiến nhà trường?

Thời gian gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến việc UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn với nội dung xã hội hóa trường ĐH Phạm Văn Đồng. Điều đáng nói, nhà trường không nhận được công văn này và cũng không được thông qua, lấy ý kiến.

Trường ĐH Phạm Văn Đồng thành lập theo quyết định 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/9/2007, trên cơ sở sáp nhập từ trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi và CĐ Cộng đồng Quảng Ngãi, đồng thời kế thừa truyền thống từ trường Trung học Bình dân Nam Trung Bộ.

Từ nguồn vốn đầu tư nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi, xây dựng trên diện tích 30ha tại giai đoạn 1 với giá trị 370 tỷ đồng. Trải qua 10 năm nỗ lực, vào ngày 14/10/2017, thay mặt Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường ĐH Phạm Văn Đồng.

Tỉnh quyết xã hội hóa, nhà trường "ngơ ngác" vì không nhận được công văn

Trong năm 2017 và 2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành hàng chục văn bản “tiếp sức” cho Công ty CP Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng (TPHCM) nhằm mục đích bàn giao ngôi trường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (quê huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) theo phương thức xã hội hóa (XHH).

Đáng nói, gần nhất là công văn số 7329/UBND-KGVX ngày 3/12/2018, đề cập về việc xử lý tài sản công, tức là giao đất và tài sản đã đầu tư trên đất cùng đội ngũ giảng viên cho Công ty Nguyễn Hoàng. Công văn này gửi cho 4 Sở và Công ty Nguyễn Hoàng nhưng không gửi cho trường ĐH Phạm Văn Đồng.

Công văn của UBND tỉnh thiếu tôn trọng nhà trường và lưu ý xử lý tài sản công (gạch đỏ)

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi nghe thông tin, tôi chỉ đạo văn phòng tìm văn bản nhưng không thấy và không nhận. Về xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, thế nhưng XHH không có nghĩa biến toàn bộ tài sản, con người của trường đại học công lập thành tư thục hóa cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, việc XHH cần lắng nghe ý kiến của nhà trường, chỉ nên XHH phần nhà nước chưa đầu tư và phù hợp với đời sống, kinh tế của địa phương. Nhà trường rất cần sự tôn trọng theo đúng nghĩa giáo dục, XHH như thế nào phải do nhà trường đề nghị”.

Theo Tiến sĩ Vũ, nhà trường có 242 biên chế, trong đó có 191 giảng viên. Năm học 2017-2018, trường ĐH Phạm Văn Đồng đào tạo 3.000 sinh viên chính quy và 3.000 học viên đào tạo liên kết khác. Riêng sinh viên chính quy, chiếm từ 70 – 80% là sinh viên nghèo được miễn giảm học phí theo quy định. Đối với sinh viên ngành sư phạm được miễn 100% học phí, tương đương khoảng 38 tỷ đồng/năm (trong khi tỉnh Quảng Ngãi chỉ hỗ trợ 25 tỷ đồng/năm).

Bức xúc với cách làm trên, tháng 1/2019, Hiệu trưởng trường ĐH Phạm Văn Đồng phản hồi bằng văn bản khẳng định không cử thành viên tham gia Tổ xây dựng đề án đầu tư xã hội hóa. Lý do nhà trường đã trình Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của trường ĐH Phạm Văn Đồng, được Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ đạo triển khai theo Kết luận số 600-KL/TU ngày 17/4/2018. Hiện nhà trường tiếp tục hoàn chỉnh đề án và chờ phê duyệt; do đó không thể để doanh nghiệp bên ngoài đề xuất xây dựng thay nhà trường.

Trước đây, học sinh Quảng Ngãi nuôi ước mơ giảng đường đại học ở nơi xa, khiến nhiều tân sinh viên nghèo đành bỏ cuộc. Từ khi hình thành trường ĐH Phạm Văn Đồng, ước mơ đại học gần hơn với sinh viên nghèo, đặc biệt là tỉnh nghèo như Quảng Ngãi. Hiện nay, toàn tỉnh có 5/14 huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a và 69 xã đặc biệt khó khăn (vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và miền núi) trên tổng số dân hơn 1,2 triệu nhân khẩu. Riêng thành phố Quảng Ngãi có khoảng 1.600 hộ nghèo và 2.700 hộ cận nghèo; miền núi còn 22.697 hộ nghèo và 8.518 hộ cận nghèo.

Nếu tỉnh Quảng Ngãi giao trường đại học công lập duy nhất cho doanh nghiệp, đồng nghĩa việc dập tắt niềm tin và hi vọng chạm đến giảng đường đại học ngay tại quê hương cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Nhìn từ bản đồ vệ tinh, trường ĐH Phạm Văn Đồng nằm bao quanh các Khu dân cư đắc địa nhất tỉnh Quảng Ngãi

Phải chăng hô biến tài sản công thành tư nhân hóa?

Xuyên suốt dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, câu chuyện xã hội hóa trường ĐH Phạm Văn Đồng gây xôn xao dư luận và ẩn chứa sự hoài nghi núp bóng chiêu thức xã hội hóa. Nhìn gần nhất như bài học ở Đà Nẵng do Công ty Nguyễn Hoàng xin đất xây trường.

Vào năm 2010, chính quyền TP.Đà Nẵng giao cho Công ty Nguyễn Hoàng trên 5.000m2 thuộc trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, đơn giá giao quyền sử dụng đất với 4,582 triệu đồng/m2, mục đích xây dựng cơ sở giáo dục với “bánh vẽ” đầu tư trường THPT chất lượng cao. Một năm sau, bất ngờ hạ giá đất còn 2,790 triệu đồng/m2 mà không thông qua đấu giá, kèm theo lời hứa quý 4/2012 đưa vào hoạt động.

Đến tháng 10/2012, Công ty Nguyễn Hoàng xin chuyển mục đích sử dụng đất, chia thành 50 lô (90m2/lô) và được TP.Đà Nẵng đồng ý. Giá thị trường khoảng 10 triệu đồng/m2. Tại Quảng Ngãi, hiện doanh nghiệp này được UBND tỉnh cấp 90.372m2 đầu tư “Thành phố Giáo dục Quốc tế IEC” tại phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi. Vị trí trường ĐH Phạm Văn Đồng cách thành phố giáo dục gần 200m và nằm trong khu “đất vàng” trên tuyến đường Phan Đình Phùng, giáp với Khu dân cư Phát Đạt và Ngọc Bảo Viên. Phải chăng, chiêu thức xã hội hóa xây trường chất lượng cao để phân lô bán nền có giống như Đà Nẵng?

Ông Nguyễn Hoàng Sơn (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phụ trách giáo dục) bức xúc: “Tôi không đồng tình cách làm vừa rồi của tỉnh, thiếu minh bạch, không trong sáng và bồng bột quá. Đáng lẽ, tỉnh phải lắng nghe ý kiến của nhà trường, thông qua đề án phát triển do chính nhà trường xây dựng. Nếu giao hoàn toàn cho doanh nghiệp, coi như bán tài sản công thành tư nhân hóa chứ không phải bản chất thực sự xã hội hóa. Đây là tài sản công, chính là tài sản của toàn dân, không phải tư nhân hóa như các trường mà Công ty Nguyễn Hoàng đã mua.

Trường hợp bán như vậy, sai hoàn toàn với luật đấu thầu về tài sản công và đất công. Khi nhà trường hoạt động không hiệu quả như không tuyển được sinh viên, sinh viên không có thành tích, thiếu giảng viên, cơ sở vật chất thiếu thốn trầm trọng, không bố trí nguồn kinh phí hoạt động,… lúc đó mới nghĩ đến hợp tác chứ”.

Bảng giá học phí “trên trời” được Thành phố Giáo dục Quốc tế của Nguyễn Hoàng áp dụng ở tỉnh nghèo khu vực miền Trung

Mục đích “thâu tóm” trường ĐH Phạm Văn Đồng biến thành giai đoạn 2 của Thành phố Giáo dục Quốc tế. Ghi nhận chi phí tuyển sinh của Thành phố Giáo dục Quốc tế, cấp mẫu giáo nộp trên 116 triệu đồng/năm (bao gồm học phí 98,4 triệu đồng/năm, phí bán trú 18 triệu đồng, phí ghi danh 3 triệu đồng và phí dịch vụ hỗ trợ 5 triệu đồng). Đó chỉ là cấp học mẫu giáo với mơ ước “công dân toàn cầu” như lời quảng cáo.

Sinh viên trường ĐH Phạm Văn Đồng đóng học phí tối đa khoảng 7 triệu đồng/năm, chỉ mới so sánh mức thu học phí cấp mẫu giáo của Thành phố Giáo dục Quốc tế thật quá khập khiểng. Đó là chưa tính đến cấp đại học của Thành phố Giáo dục Quốc tế.

“Xã hội hóa kiểu chỉ định giao cho doanh nghiệp tư nhân, chẳng khác nào đạp đổ niềm hi vọng của nhân dân, sự nghiệp giáo dục vun trồng hơn 10 năm qua và sự tâm huyết dấng thân của những người xây nên viên gạch trường đại học mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trước tiên, Công ty Nguyễn Hoàng phải làm tốt Thành phố Giáo dục Quốc tế, khi xã hội ghi nhận tốt thì mới xem xét cho tham gia xã hội hóa đúng bản chất”, ông Nguyễn Hoàng Sơn trải lòng.

Dương Vương

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/ban-doc/quang-ngai-xa-hoi-hoa-truong-dai-hoc-khong-lang-nghe-y-kien-nha-truong-287430.html