Quảng Ngãi phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Chương trình quốc gia 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đưa chương trình OCOP về cơ sở để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực, cốt lõi đang được hỗ trợ tích cực thông qua chương trình OCOP.
Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đưa chương trình OCOP về cơ sở để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực, cốt lõi đang được hỗ trợ tích cực thông qua chương trình OCOP.
Nỗ lực tham gia OCOP
Từ mờ sáng, nhà xưởng Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh (HTX SX & KD) Đức Nhuận (xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) đã nhộn nhịp ngày làm việc mới. Hai nhóm công nhân vận chuyển mùn cưa đưa vào máy sàn loại chất thải. Phía bên kia dây chuyền, mùn cưa sạch chuyển thẳng nơi trữ, sẵn sàng cho công đoạn hấp, phối trộn phôi nấm linh chi.
Vừa kiểm tra dây chuyền, thiết bị, anh Lê Giang Phong, Giám đốc HTX SX & KD Đức Nhuận thẩm định nguyên liệu, cấy giống chuẩn bị cho đợt trồng nấm mới. Các quy trình nguyên liệu, phối trộn, hấp thanh trùng, cấy giống được anh thực hiện theo quy chuẩn nghiêm ngặt. Thành lập từ năm 2011, anh Lê Giang Phong xây dựng HTX để trồng và phát triển nấm linh chi. Tuy nhiên, thời gian đầu anh gặp nhiều khó khăn về giải pháp, sản phẩm nên cơ sở sản xuất phải dừng hoạt động.
Tìm hiểm về chương trình OCOP, được tiếp cận vốn, chuyên môn kỹ thuật cũng như hỗ trợ từ địa phương, anh quyết định tham gia phát triển thương hiệu nấm linh chi. Sau gần ba năm, nấm linh chi Giang Phong bắt đầu được người tiêu dùng biết đến. Mỗi năm anh trồng và cung ứng ra thị trường gần 3 tấn nấm linh chi khô, với giá bán từ 900.000 đến 1,1 triệu/kg.
Quan trọng hơn, nấm linh chi Giang Phong đạt chuẩn OCOP với chất lượng tốt, an toàn thực phẩm và thương hiệu được tin dùng bởi các kênh phân phối thị trường. Đến nay, HTX có 19 thành viên tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nấm linh chi và mạng lưới vệ tinh tham gia sản xuất tiếp tục được mở rộng.
“Khi đi sâu tìm hiểu tôi thấy sản phẩm OCOP gắn với những điều kiện, tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm, thương hiệu nghiêm ngặt. Sản phẩm đạt chuẩn OCOP rất khó nhưng khi đã đạt được sẽ là cơ hội phát triển mạnh hơn, tiếp cận với người tiêu dùng nhiều hơn”, anh Lê Giang Phong, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh Đức Nhuận khẳng định.
Những ngày qua, chị Phạm Thị Thúy Vân, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Đức Hải ở xã Đức Lợi (huyện Mộ Đức) đang hoàn tất các thủ tục để đưa sản phẩm dự hội chợ nông sản sắp đến. Từ mẫu mã, bao bì, thành phần dinh dưỡng đến hệ thống siêu thị, đơn vị phân phối chị thuộc lòng sau hai năm xây dựng thương hiệu mắm cho riêng mình.
Mỗi tháng, cơ sở chị chế biến 250 đến 300 lít nước mắm nguyên chất, cung ứng cho chuỗi cửa hàng, siêu thị. Làng nghề chế biến nước mắm Đức Lợi hàng trăm năm qua theo nghiệp truyền nối. Ở làng nghề có tiếng, gần 200 hộ làng nghề chế biến mắm thủ công, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng, thương hiệu riêng. Quyết tâm đưa đặc sản vùng biển đi xa hơn, rộng hơn chị Vân tham gia OCOP. Sau thời gian bền bỉ nâng chất lượng mắm, cải tiến mẫu mã, tìm nhiều kênh tiếp cận người tiêu dùng, sản phẩm nước mắm Đức Hải của chị đạt 3 sao OCOP.
“Nếu sản xuất bình thường như xưa nay thì không thể mở rộng, tăng số lượng bán được. Về lâu dài phải có gì đó chứng nhận riêng của mình. Sản phẩm có nhãn hiệu thì mình phải có trách nhiệm, nâng chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng. Uy tín có mới mở rộng tiêu thụ được”.
Nâng tầm nông sản địa phương
Tỉnh Quảng Ngãi đa dạng sản phẩm nông nghiệp, từ vùng biển như hành tỏi Lý Sơn, nén Bình Phú, nếp ngự Sa Huỳnh… đến vùng cao như quế Trà Bồng, chè Minh Long, gà kiến, ớt xiêm Sơn Hà… Những sản phẩm đặc trưng, chủ lực, cốt lõi từng vùng chưa thật sự đủ lớn để tiếp cận thị trường hiện đại. Vì vậy, cần nhiều giải pháp để tăng giá trị cho nông sản Quảng Ngãi
Từ thực tế này, năm 2018 tỉnh Quảng Ngãi triển khai Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” với mục tiêu hoàn thiện, chuẩn hóa khoảng 66 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có; phát triển mới bốn sản phẩm; 20 đến 25 sản phẩm OCOP chuẩn từ 3 đến 5 sao. Sau nhiều những giải pháp đồng bộ từ sở ngành đến chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đồng hành tham gia chương trình OCOP để nâng chất lượng, xây dựng thương hiệu và giá trị cho nông sản.
“Trước kia thị trường của mình chủ yếu là chợ, trong tỉnh. Khi tham gia OCOP và đạt chuẩn về chất lượng, an toàn, xúc tiến thương mại mở rộng thì sản phẩm được nhiều người biết hơn. Hàng hóa cơ sở được trưng bày, giới thiệu ở các hội chợ, hàng nông sản nhiều tỉnh thành nên thị trường tiêu thụ giờ mở rộng hơn trước”, anh Lê Thái Cường, Chủ cơ sở bánh tráng Huy Cường chia sẻ.
Đến nay, Quảng Ngãi đã có 11 sản phẩm đầu tiên đủ điều kiện công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm đạt chuẩn 3 đến 4 sao OCOP như nấm linh chi Giang Phong, gạo sạch Ấn Trà, mạch nha Kim Hồng, tỏi đen Volnaco, bánh tráng Huy Cường, nước mắm truyền thống: Phương Loan, Đức Hải, Phát Hải… Nông sản đặc trưng, chủ lực, cốt lõi của các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt tiêu chí của OCOP được người tiêu dùng biết đến. Cơ hội phát triển thị trường, gắn với chất lượng, thương hiệu cùng chuỗi tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng. Đồng chí Phạm Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết, Chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ giúp cho địa phương xác định lợi thế hàng hóa, tập trung cho sản phẩm chính để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu. “Xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đạt chuẩn OCOP sẽ kích thích sản xuất nông sản phát triển. Với địa phương thuần nông, ven biển thì chúng tôi thấy giá trị nông sản của mình sẽ tăng dần và được khẳng định từ uy tín, tin dùng của thị trường”.
Ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, chương trình OCOP giúp các chủ thể hiểu giá trị sản phẩm, gìn giữ thương hiệu với người tiêu dùng.
“Chứng nhận OCOP như chứng chỉ để sản phẩm nông nghiệp chuyên nghiệp hơn, là điều kiện tiếp cận thị trường lớn. Các chủ cơ sở có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm, cải thiện chất lượng, nâng tầm giá trị sản phẩm lên chuẩn cao nhất. Từ đó, có định hướng, giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị cho nông sản địa phương”.