Quảng Ngãi còn trên 12 triệu m3 vật chất cần xử lý

Ngoài 15,39 triệu m3 vật chất cho phép Hòa Phát nhận chìm xuống biển, các dự án cảng biển của Quảng Ngãi còn trên 12 triệu m3 vật chất cần nghiên cứu san lấp mặt bằng.

Sáng nay (03/4), Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp với các sở, ban ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất bàn việc xử lý cát nhiễm mặn trong quá trình nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc các dự án đầu tư tại KKT Dung Quất.

Quang cảnh buổi họp bàn việc xử lý cát nhiễm mặn trong quá trình nạo vét.

Ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, khẳng định: Không có chuyện tỉnh Quảng Ngãi “quay ngoắt” trong việc Hòa Phát xin nhận chìm vật chất nạo vét xuống vùng biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã quyết định cho phép Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất nhận chìm 15,39 triệu m3 vật chất nạo vét xuống vùng biển Dung Quất. Hòa Phát cứ thể nhận chìm vật chất nạo vét theo tiến độ và phải ý thức cái gì được nhận, cái gì không được nhận, không được để xảy ra việc gì làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự…

Khối lượng vật chất này phát sinh trong quá trình nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Thành phần của 15,39 triệu m3 vật chất nhận chìm bao gồm 86,4% cát và khoảng 13,6% bùn sét. Khu vực nhận chìm có diện tích 180ha thuộc vùng biển Dung Quất (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn), có độ sâu từ - 51 đến - 55m.

Quá trình nhận chìm chia làm 2 giai đoạn với khối lượng nhận chìm giai đoạn 1 là 7,69 triệu m3, giai đoạn 2 nhận chìm 7,7 triệu m3. Thời gian thực hiện nhận chìm trong 15 tháng tính từ tháng 3/2019 đến hết ngày 31/5/2020.

Theo quyết định, phương tiện chuyên chở vật chất nhận chìm là loại tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000m3 đến 35.000m3, mỗi loại tàu vận chuyển 3 chuyến mỗi ngày và nhận chìm theo hình thức xả đáy.

Bộ TN&MT yêu cầu Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất phải đăng ký các phương tiện chuyên chở có gắn thiết bị giám sát hành trình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện nhấn chìm, nhật ký hàng hải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát…

Để tàu vận có tải trọng 200.000DWT ra vào cảng khi dự án “Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất” hoàn thành, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất phải tiến hành nạo vét khu vực biển tại đây.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Tài cho biết: Ngoài 15,39 triệu m3 vật chất cho phép Hòa Phát nhận chìm xuống biển, các dự án cảng biển của Quảng Ngãi cần nạo vét trên 12 triệu m3 vật chất. Cụ thể, cảng Tổng hợp khoảng 7 triệu m3, Nhà máy lọc dầu Dung Quất 1,6 triệu m3, cảng hào Hưng 4 triệu m3. Trên 12 triệu m3 vật chất này cần nghiên cứu san lấp mặt bằng. Sử dụng cát nhiễm mặn để san lấp lấp mặt bằng thì hiệu quả nhất, nhưng chỉ san lấp dự án ở vùng trũng nhiễm mặn.

Ông Tài cũng yêu cầu, các doanh nghiệp phải có văn bản chính thức về kế hoạch, thời gian, tiến độ nạo vét gửi về Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi và gửi UBND tỉnh để có giải pháp chỉ đạo kết nối yêu cầu của các doanh nghiệp để xử lý cát nhiễm mặn. Đồng thời, các doanh nghiệp cần cát nhiễm mặn để san lấp cũng phải có văn bản đăng ký nhu cầu, địa điểm san lấp phải có ý kiến của Sở TN&MT.

Trong khi đó, ông Ngô Đại Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Lũng Lô 2 cho biết doanh nghiệp sẽ cần khoảng 6 triệu m3 để san lấp mặt bằng các dự án ven sông Trà Bồng.

Ông Bùi Quang Thiệu, Giám đốc Công ty CP BlackRock cũng cho biết doanh nghiệp cần khoảng trên 5 triệu m3 để san lấp mặt bằng các dự án do danh nghiệp thực hiện trong thời gian tới

Hải Yến

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/quang-ngai-con-tren-12-trieu-m3-vat-chat-can-xu-ly-post26689.html