Quảng Nam sử dụng tên dòng sông, di tích văn hóa đặt tên cho xã, phường

Lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, tỉnh Quảng Nam không đặt tên các xã phường mới theo cách gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2,3 hoặc theo phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc... Thay vào đó, sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất.

Ngày 21-4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị thảo luận, thông qua phương án đặt tên mới cho 88 xã, phường trên địa bàn tỉnh, thay thế phương án đã ban hành theo Nghị quyết số 45, ngày 18-4 của Tỉnh ủy, đã công bố để lấy ý kiến nhân dân vào trước đó.

 Hội nghị thảo luận, thông qua phương án đặt tên mới cho 88 xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Hội nghị thảo luận, thông qua phương án đặt tên mới cho 88 xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, sau khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo Phương án ban hành tại Nghị quyết số 45 của Tỉnh ủy trong hai ngày 19 và 20-4, có 99,02% cử tri đại diện hộ gia đình trên toàn tỉnh tham gia ý kiến. Trong đó, cử tri tán thành với việc sắp xếp cấp xã đạt tỷ lệ 97,66% và có 98,52% cử tri tán thành việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với TP Đà Nẵng.

Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, ngày 20-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổng rà soát địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương. Trên cơ sở đó đề xuất đặt tên mới cho các xã, phường sau sắp xếp.

 Nhiều cái tên thân thuộc được tỉnh Quảng Nam sử dụng đặt cho các địa phương cấp xã sau sắp xếp

Nhiều cái tên thân thuộc được tỉnh Quảng Nam sử dụng đặt cho các địa phương cấp xã sau sắp xếp

Tại Hội nghị Tỉnh ủy, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đại biểu đã thảo luận, góp ý và thống nhất không đặt tên các xã, phường mới theo cách gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2,3 hoặc theo phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc... Thay vào đó, sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất.

Theo đó, nhiều tên dòng sông, tên làng, di sản văn hóa nổi tiếng, có lịch sử lâu đời của Quảng Nam đã được đặt tên cho các xã mới như Thu Bồn, Gò Nổi (thuộc thị xã Điện Bàn hiện nay); Thượng Đức, Vu Gia, Hà Nha (thuộc huyện Đại Lộc hiện nay); xã Tây Hồ, Chiên Đàn (thuộc huyện Phú Ninh hiện nay); Hội An, Thanh Châu (thuộc TP Hội An hiện nay)….

 Các dòng sông như Vu Gia, Thu Bồn, Bàn Thạch đặt tên cho các xã sau sắp xếp

Các dòng sông như Vu Gia, Thu Bồn, Bàn Thạch đặt tên cho các xã sau sắp xếp

Hội nghị đã thống nhất điều chỉnh tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã (mới) của Quảng Nam tại Nghị quyết số 45. Đồng thời, Tỉnh ủy Quảng Nam giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh lấy ý kiến nhân dân, đảm bảo trình HĐND tỉnh vào ngày 26-4, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1-5.

NGUYỄN CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-nam-su-dung-ten-dong-song-di-tich-van-hoa-dat-ten-cho-xa-phuong-post791758.html