Quan trọng là quản lý thống nhất dữ liệu đất đai
Trước thông tin nhiều tỉnh thành lo lắng dữ liệu đất đai bị ngắt gián đoạn, ảnh hưởng việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân khi nhận được thông báo từ Tập đoàn Viettel rằng sẽ không thể cho sử dụng miễn phí mãi dịch vụ, nhiều người không hiểu vì sao lại nảy sinh một câu chuyện như thế.
(KTSG) – Trước thông tin nhiều tỉnh thành lo lắng dữ liệu đất đai bị ngắt gián đoạn, ảnh hưởng việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân khi nhận được thông báo từ Tập đoàn Viettel rằng sẽ không thể cho sử dụng miễn phí mãi dịch vụ, nhiều người không hiểu vì sao lại nảy sinh một câu chuyện như thế.
Hóa ra để ghi nhận thông tin về đất đai, nhất là những thông tin về giao dịch, biến động của các thửa đất phục vụ việc quản lý, cấp giấy chứng nhận cho người dân, các tỉnh thành trên cả nước đã sử dụng nhiều loại phần mềm, trong đó nổi bật là phần mềm hệ thống thông tin đất đai (VBDLIS) của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solution). Hiện có đến 36 tỉnh thành sử dụng phần mềm VBDLIS và tất cả đều được miễn phí trong khi chờ quyết định sau cùng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tháng 6-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo đã dừng đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo hình thức xây dựng – sở hữu – kinh doanh đối với phần mềm VBDLIS; điều đó có nghĩa các địa phương không còn được sử dụng VBDLIS miễn phí nữa mà phải thuê phần mềm này. Do nhiều địa phương lúng túng trong việc ký hợp đồng thuê phần mềm, có thể vì chưa có tiền lệ thuê phần mềm, quy trình thẩm định, quy trình tư vấn… nên cho đến nay đa số vẫn chưa ký với Viettel Solution, dẫn tới thông báo của Tập đoàn Viettel nói ở trên. Trước mắt để giảm bớt khó khăn cho các địa phương, Viettel đồng ý cung cấp miễn phí phần mềm VBDLIS tối đa ba ngày/tuần cho đến tháng 9-2024, một cột mốc sắp đến gần.
Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ đầu tiên là cần đặt ra một số nền tảng cần tuân thủ như nhu cầu có một phần mềm thống nhất trong cả nước để sau này các địa phương có thể kết nối liên thông dữ liệu đất đai; sử dụng các phần mềm khác nhau sẽ gây khó khăn cho việc kết nối. Việc đàm phán từng tỉnh thành là rất mất thời gian, tốn kém công sức, tiền của không cần thiết; và cả nước cần một đầu mối quản lý dữ liệu đất đai vì đây sẽ là cơ sở thông tin cho nhiều hoạt động kinh tế.
Như thế có thể thấy ngay Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đóng vai trò là cơ quan nhà nước đứng ra đàm phán giá thuê, các điều kiện thuê… với Viettel Solution, kinh phí sẽ do ngân sách nhà nước chi trả, sau này bộ có thể thu lại cho ngân sách từ các khoản chi trả của địa phương tùy vào quy mô, tần suất sử dụng phần mềm, dung lượng lưu trữ.
Đích nhắm không chỉ là việc giao dịch nhà đất thông suốt cho người dân, mà còn là xây dựng một cơ sở dữ liệu đất đai toàn quốc được cập nhật liên tục, kịp thời, có độ chính xác cao. Rất nhiều chính sách sẽ cần phải dựa vào một cơ sở dữ liệu như thế như khả năng đánh thuế lên ngôi nhà thứ nhì của người sở hữu nhiều nhà đất.
Hiện nay theo thông tin của báo chí, các địa phương trên cả nước đang sử dụng nhiều loại phần mềm khác nhau trong hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin đất đai trên địa bàn, từ phần mềm ViLIS của Tổng cục Quản lý đất đai đến phần mềm ELIS của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường… Nếu không sớm thống nhất sao cho dữ liệu quy về một đầu mối, các tỉnh thành có thể truy xuất một cách nhất quán, chúng ta sẽ phải trả một giá rất đắt trong tương lai để làm dữ liệu của các tỉnh thành tương thích với nhau. Đó có thể là phần mềm của Viettel hay của một tổ chức, đơn vị nào khác – vấn đề là nên có quyết định sớm để tránh tắc nghẽn cho nền kinh tế.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quan-trong-la-quan-ly-thong-nhat-du-lieu-dat-dai/